Iran chỉ trích phương Tây cản trở khả năng nối lại đàm phán hạt nhân

Theo Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, tình trạng bế tắc hiện nay không phải là chiến thuật hay liên quan đến nội bộ, mà là do chiến lược của phương Tây.
Iran chỉ trích phương Tây cản trở khả năng nối lại đàm phán hạt nhân ảnh 1Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/3, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cho rằng phương Tây đang sử dụng chiến lược nhằm cản trở khả năng nối lại đàm phán hạt nhân, chứ không phải vì “những vấn đề chiến thuật” và vấn đề chính trị nội bộ của Iran như tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Shamkhani nhấn mạnh: “Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu Mỹ không thực hiện những hành động hiệu quả để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt."

Theo ông Shamkhani, tình trạng bế tắc hiện nay không phải là chiến thuật hay liên quan đến nội bộ, mà là do chiến lược của phương Tây.

[Mỹ khẳng định lập trường trong việc đàm phán hạt nhân với Iran]

Trước đó, phát biểu trước Thượng viện Pháp vào ngày 16/3, Ngoại trưởng Le Drian nhận định hiện có một vấn đề chiến thuật, cũng như một vấn đề nội bộ ở Iran, bởi nước Cộng hòa Hồi giáo này đang tiến gần tới cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 6.

Ông Le Drian không tiết lộ về vấn đề chiến thuật này, song cho biết mặc dù các bên đều muốn quay lại đàm phán nhưng căng thẳng đang gia tăng và điều quan trọng hiện nay là phải ổn định tình hình và tiến về phía trước.

Iran đã nhiều lần tuyên bố nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran được tái áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo JCPOA, Iran cam kết không làm giàu urani. Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này có quyền giảm bớt cam kết trong văn kiện này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trước nguy cơ đổ vỡ.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đã mang lại tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, Mỹ và Iran vẫn đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này.

Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục