Kênh truyền hình Press TV đưa tin Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani ngày 27/9 cảnh báo việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước trong khu vực sẽ làm gia tăng sự bất ổn tại khu vực.
Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein đang ở thăm Iran, ông Shamkhani nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ với Israel "không chỉ là sự phản bội đối với quyền của người Palestine mà còn làm cho sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực trở nên sâu sắc hơn."
Iran đã kịch liệt chỉ trích việc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Ngày 15/9 vừa qua, Ngoại trưởng của UAE và Bahrain đã ký hiệp định Abraham tại Nhà Trắng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Như vậy, đến nay đã có 4 nước Arab có quan hệ chính thức với Israel là Ai Cập, Jordan, UAE và Bahrain.
[Lãnh đạo Israel và Bahrain trao đổi về bình thường hóa quan hệ]
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Sudan nối gót UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel. Tháng Tám vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm đến Khartoum để thúc đẩy một thỏa thuận tương tự.
Truyền thông khu vực ngày 27/9 đưa tin Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ với Israel là một vấn đề "phức tạp" đòi hỏi một quá trình thảo luận sâu rộng trong xã hội Sudan. Ông cũng bác bỏ thông tin Sudan thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề này.
Bên lề một hội thảo kinh tế tại Khartoum hôm 26/9, trả lời câu hỏi của báo giới về hai vấn đề - việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Sudan và việc Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel - ông Hamdok nêu rõ cần phải tách biệt hai vấn đề này.
Sudan là nơi ra đời tuyên bố chung của Liên đoàn Arab năm 1967 về chính sách đối với Israel, theo đó không đàm phán và bình thường hóa quan hệ với Israel cho đến khi một nhà nước Palestine độc lập được thành lập.
Sudan bị Mỹ đưa vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố từ năm 1993. Điều này khiến Chính phủ Sudan gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu tư nước ngoài và các thỏa thuận giãn nợ khẩn cấp.
Thủ tướng Hamdok đứng đầu chính phủ chuyển tiếp lãnh đạo Sudan sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất. Tháng trước, ông Hamdok tuyên bố hiện Suan không thể bình thường hóa quan hệ với Israel vì Sudan đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Quá trình chuyển tiếp sẽ kết thúc vào năm 2022.
Việc đưa Sudan ra khỏi danh sách đen của Mỹ là một ưu tiên đối với chính phủ chuyển tiếp ở Sudan, theo đó một số nhà lãnh đạo trong chính phủ này ủng hộ một thỏa thuận chính trị với Israel, tuy nhiên nhiều người khác phản đối.
Tở Times of Israel tuần qua đưa tin, trong quá trình đàm phán với giới chức Mỹ, giới chức Sudan đề nghị 3-4 tỷ USD viện trợ để đổi lấy bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo nguồn tin, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu hội đồng lãnh đạo chuyển tiếp ở Sudan, đã tiến hành đàm phán với giới chức Mỹ và UAE tại UAE.
Trong quá trình đàm phán, Sudan đã từ chối gói 800 triệu USD viện trợ và đầu tư để đổi lấy bình thường hóa quan hệ với Israel. Phía Sudan cũng yêu cầu Mỹ đưa nước này ra khỏi danh sách đen và phía Mỹ cho biết sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này./.