Iran cảnh báo Mỹ về hậu quả nếu hủy hoại thỏa thuận hạt nhân

Iran cảnh báo Mỹ nếu hủy hoại thỏa thuận hạt nhân thì các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế cũng như vị thế của Washington trên trường quốc tế sẽ gánh chịu hậu quả.
Giám đốc cơ quan hạt nhân của Iran, ông Ali Akbar Salehi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AP và Tân hoa xã, ngày 10/10, Giám đốc cơ quan hạt nhân của Iran, ông Ali Akbar Salehi, đã cảnh báo Mỹ không nên hủy hoại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015, nếu không các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế cũng như vị thế của Washington trên trường quốc tế sẽ gánh chịu hậu quả.

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về tăng cường an toàn hạt nhân được tổ chức tại thủ đô Rome (Italy), ông Salehi cho biết “thái độ tiêu cực hoang tưởng gần đây của Washington báo hiệu điềm xấu" đối với việc duy trì nguyên vẹn thỏa thuận.

Quan chức này cho biết Iran không muốn chứng kiến thỏa thuận bị xé bỏ, và “điều này sẽ đe dọa tới toàn bộ cộng đồng quốc tế chứ không chỉ riêng lợi ích quốc gia của Iran”.

Ông Salehi hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được kể từ khi thỏa thuận được ký kết năm 2015, cho rằng các nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân đã đem lại lợi ích cho toàn cầu.

Ông cảnh báo: “Thỏa thuận hạt nhân bị xóa bỏ sẽ làm suy yếu lòng tin chính trị và tầm cỡ quốc tế của Mỹ trong môi trường chính trị hỗn độn hiện nay.”

[Video] Iran tuyên bố sẽ có "biện pháp đáp trả phù hợp" với Mỹ

Cùng ngày, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, cho biết cơ quan này cam kết duy trì “sự khách quan” trong các báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran.

Giám đốc IAEA Yukiya Amano tái khẳng định các biến động chính trị, đặc biệt tại Mỹ, sẽ không ảnh hưởng tới báo cáo của tổ chức này về Iran và các báo cáo này sẽ dựa trên những đánh giá khách quan.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu về vấn đề Iran, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ không công nhận việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Theo luật pháp Mỹ, nếu Tổng thống không xác nhận, Quốc hội sẽ có 60 ngày để quyết định có áp đặt lại các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đây theo thỏa thuận trên hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục