Iran cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu phản bội thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran đã sẵn sàng những phương án đáp trả, bao gồm cả "những hành động mà Mỹ sẽ không ngờ tới".
Iran cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu phản bội thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chức Iran ngày 24/4 tiếp tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định hạn chót ngày 12/5 các đồng minh châu Âu phải chỉnh sửa nội dung thỏa thuận nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Phát biểu tại thành phố Tabriz trước hàng nghìn người dân Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nêu rõ "nếu Nhà Trắng không tuân theo những cam kết của họ, chính phủ Iran sẽ phản ứng kiên quyết..." Ông nhấn mạnh "nếu bất kỳ ai phản bội thỏa thuận, họ nên biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng."

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp này, Tổng thống Rouhani cũng khẳng định đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cảnh báo Tehran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và đây là 1 trong 3 lựa chọn đang được xem xét.

[Iran có thể rút khỏi NPT nếu thỏa thuận hạt nhân bị hủy bỏ]

Trong một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp trước chuyến thăm Nga, ông Shamkhani nhấn mạnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran đã sẵn sàng cho "những hành động gây bất ngờ" nếu thỏa thuận hạt nhân bị hủy bỏ.

Trước đó, ngày 21/4, Tổng thống Rouhani đã tuyên bố cơ quan nguyên tử của nước này đã chuẩn bị sẵn các phương án đáp trả nếu Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015.

Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân "ở tốc độ nhanh hơn nhiều" nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là "tồi tệ" này. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã ra hạn chót vào ngày 12/5 Anh, Pháp, Đức phải chỉnh sửa một số nội dung trong JCPOA, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã cùng đưa ra một dự thảo tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ kiên định đối với thỏa thuận hạt nhân Iran và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ tại hội nghị của Liên hợp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Phát biểu tại hội nghị ngày 24/4, người đứng đầu bộ phận phụ trách không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cảnh báo rằng thỏa thuận hạt nhân Iran rất mong manh và bất kỳ ý định điều chỉnh nào cũng ảnh hưởng đến cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục