Iran cảnh báo EU về hậu quả biện pháp trừng phạt

Trưởng đoàn đàm phán Iran cảnh báo phương Tây về "hậu quả của việc áp dụng những hành động không phù hợp với logic đàm phán."
Trong một bức thư gửi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton ngày 28/6, Trưởng đoàn đàm phán Iran Saeed Jalili cảnh báo EU rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây hậu quả đối với cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Trong thư, ông Jalili cảnh báo phương Tây về "hậu quả của việc áp dụng những hành động không phù hợp với logic đàm phán và của việc sử dụng những biện pháp bất hợp pháp đối với Iran."

[EU sẽ tăng trừng phạt Iran nếu đàm phán thất bại]

Ông nhấn mạnh, Iran sẵn sàng chia sẻ các sáng kiến để đàm phán được thúc đẩy và có thể thành công. Tuy nhiên, những tiến bộ đó phụ thuộc vào sự hợp tác và việc xây dựng lòng tin. Theo ông, "nếu cuộc đàm phán bị phá hỏng, thì trách nhiệm sẽ thuộc về bên nào sử dụng các công cụ bất hợp pháp."

Bức thư được gửi vào đúng ngày Mỹ tăng cường biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài làm ăn với Ngân hàng Trung ương Iran, và vài ngày trước khi một lệnh cấm vận được thực thi đầy đủ từ ngày 1/7 trên phạm vi toàn EU đối với dầu xuất khẩu của Iran. Lệnh cấm này đã từng bước được triển khai kể từ khi nó được EU công bố hôm 23/1.

Cuộc gặp tiếp theo giữa Iran và P5+1 đã bị hạ xuống cấp chuyên gia và dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo Trung Quốc và Singapore đã "cắt giảm đáng kể" lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran, vì vậy hai nước này được miễn trừ khỏi đạo luật cấm vận mới của Mỹ.

Đạo luật này quy định trừng phạt những thể chế tài chính nào mua dầu của Iran, khiến nhiều nước bày tỏ lo ngại rằng các nền kinh tế đang "đói năng lượng" không thể bị ràng buộc bởi đạo luật nội bộ của Mỹ.

Hồi tháng Ba, Mỹ đã miễn trừ cho các nước thành viên của EU và Nhật Bản, và vào ngày 11/6 vừa qua quyết định miễn trừ cho Ấn Độ, Malaysia, Nam Phi, Hàn Quốc, Sri Lanca và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính đến ngày 28/6, Mỹ đã miễn trừ hầu hết các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ hoạt động kinh doanh ở Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Rostam Qasemi cho biết, Tehran sẽ xem xét lại quan hệ với Hàn Quốc nếu quốc gia châu Á này ngừng nhập khẩu dầu của Iran từ ngày 1/7 tới.

Trước đó, Hàn Quốc đã thông báo buộc phải ngừng nhập khẩu dầu của Iran vì EU sẽ ngừng bảo hiểm cho các chuyến hàng như vậy. Theo Bộ trưởng Kinh tế Hàn Quốc, mặc dù đã thảo luận với EU, Hàn Quốc vẫn không được miễn trừ lệnh cấm vận của liên minh này trong vấn đề mua dầu của Iran.

Từ ngày 1/7 tới, các công ty của EU, hiện bảo hiểm cho 90% số tàu chở dầu trên thế giới, sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu của Iran đến bất kỳ nước nào trên thế giới.

Iran là một trong những nước cung cấp dầu chính cho hoạt động sản xuất của Hàn Quốc, và là thị trường thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc ở Trung Đông.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran trong năm 2011 đã tăng 32% so với năm 2010, đạt 6,07 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sang Iran đạt 2,9 tỷ USD trong năm tháng đầu năm nay, tức là tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục