Ngày 28/10, ông Morteza Saffari Natanzi, một thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran, cảnh báo rằng Iran sẽ nối lại chương trình hạt nhân với tốc độ bình thường, nếu nước này không được hưởng lợi từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Tehran đạt được với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015.
Hãng tin Mehr của Iran dẫn lời ông Natanzi kêu gọi các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân cách đây hơn 2 năm bảo vệ thoả thuận này trước những ý định phá hoại của Mỹ.
Ông Natanzi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ thúc đẩy hoạt động làm giàu urani tới mức 20% và sẽ khôi phục chương trình hạt nhân của mình ở cấp độ trước thời điểm ký JCPOA, nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ.
Trước đó ngày 13/10, Tổng thống Donald Trump đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc cộng với Đức).
Trong bài phát biểu về chiến lược mới của chính quyền Mỹ đối với Iran, ông Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm của ông coi JCPOA được ký năm 2015 dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama là "một trong những thỏa thuận tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký" đồng thời chỉ trích Iran "nhiều lần vi phạm thỏa thuận này" và "không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận."
[Hội đồng Liên bang Nga kêu gọi cứu thỏa thuận hạt nhân Iran]
Tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng không có nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ở thời điểm hiện tại. Một lần nữa, Tổng thống Mỹ lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.
Trong 60 ngày tới kề từ thời điểm ông Trump đưa ra tuyên bố trên, Quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Tehran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Động thái mới nhất của Washington được đưa ra bất chấp những quan ngại của giới lãnh đạo châu Âu, những người nhiều lần khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang được thực thi tốt và thể hiện không muốn đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận.
Ông Natanzi nhấn mạnh nếu các nước châu Âu tin rằng JCPOA là một thỏa thuận tốt, họ cần phải ủng hộ các quyền hợp pháp của Iran.
Tuy nhiên, quan chức này cũng hoài nghi về khả năng Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nói rằng bất chấp hoạt động tuyên truyền và quan điểm chống JCPOA của Mỹ, chính quyền Trump không thể làm tổn hại đến thỏa thuận quốc tế này.
Ông Natanzi cũng bác bỏ khả năng đàm phán lại JCPOA, đồng thời khẳng định Tehran sẽ làm rõ vấn đề này với các nước châu Âu.
Tới nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố 8 bản báo cáo xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử./.