Iran: Cần một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Kashmir

Tổng thống Rouhani nêu rõ Iran kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và chấm dứt bất ổn cũng như tình trạng người dân vô tội bị giết hại tại Kashmir.
Iran: Cần một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Kashmir ảnh 1Binh sỹ bán quân sự Ấn Độ gác tại khu vực Maisuma, Srinagar, ngày 4/8/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế căng thẳng ở khu vực Kashmir tranh chấp nhằm tránh gây thương vong cho dân thường.

Trong cuộc điện đàm ngày 11/8 với Thủ tướng Pakistan Imran Khan, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Iran kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và chấm dứt bất ổn cũng như tình trạng người dân vô tội bị giết hại tại Kashmir."

Nhà lãnh đạo Iran đồng thời nhấn mạnh "cần tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề."

Về phần mình, Thủ tướng Pakistan thừa nhận những sự kiện mới đây tại Kashmir đã gây quan ngại.

[Ấn Độ tái áp đặt một số hạn chế tại khu vực Kashmir]

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan - Tướng Qamar Javed Bajwa ngày 10/8, Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Iran - Thiếu tướng Mohammad Baqeri cũng đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng tại Kashmir, cảnh báo rằng các cách tiếp cận quân sự sẽ khiến tình hình tại vùng lãnh thổ tranh chấp này xấu thêm.

Tướng Baqeri nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế để kiểm soát các diễn biến tại đây. Tướng Bajwa chia sẻ những lo ngại của phía Iran, đồng thời khẳng định Pakistan sẽ nỗ lực để đảm bảo an ninh tại biên giới với Iran, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định cho cả hai nước.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sỹ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ký ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir 2019.

Theo đạo luật trên, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới.

Trong các động thái đáp trả, Pakistan tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. Islamabad đồng thời đình chỉ dịch vụ xe buýt hữu nghị tuyến Lahore-Delhi, cũng như tất cả các tuyến đường sắt kết nối với nước láng giềng này và cấm chiếu phim hay biểu diễn các loại hình nghệ thuật của Ấn Độ.

Ngày 10/8, Pakistan tuyên bố, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một bản kiến nghị việc Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định Islamabad không tìm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir.

Về phần mình, Ấn Độ đã kêu gọi Pakistan xem xét lại quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với New Delhi. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh New Delhi "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Pakistan, đồng thời kêu gọi Islamabad xem xét lại để các kênh ngoại giao thông thường này giữa hai nước được duy trì.

Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ, để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục