Iran bác bỏ sức ép từ Quốc hội Mỹ với thỏa thuận hạt nhân sơ bộ

Ngày 15/4, Tổng thống Iran đã bác bỏ sức ép từ Quốc hội Mỹ liên quan đến thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran, cho rằng Iran đang đàm phán với các cường quốc thế giới.
Iran bác bỏ sức ép từ Quốc hội Mỹ với thỏa thuận hạt nhân sơ bộ ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích quốc hội Mỹ cản trở thỏa thuận hạt nhân của Iran với P5+1. (Nguồn: Reuters)

Ngày 15/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ sức ép từ Quốc hội Mỹ liên quan đến thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran, cho rằng Iran đang đàm phán với các cường quốc thế giới chứ không phải với các nghị sỹ Mỹ.

Phát biểu trước hàng chục nghìn người dân Iran ở thành phố Rasht, miền Bắc nước này, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Tehran đang theo đuổi một thỏa thuận "giá trị" với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Ngoài ra, ông Rouhani một lần nữa nhắc lại lập trường đưa ra hồi tuần trước rằng Tehran sẽ không ký vào bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào với P5+1 nếu tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế không được dỡ bỏ hoàn toàn.

Tuyên bố của Tổng thống Iran được đưa ra trong bối cảnh ngày 14/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký một dự luật đồng ý để Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối có tiếng nói trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo dự luật, Quốc hội Mỹ có quyền xem xét, thậm chí có thể bỏ phiếu đối với thỏa thuận cuối cùng, dự kiến đạt được trong tháng 6 tới, xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Liên quan tới động thái trên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama phải chịu “trách nhiệm” đảm bảo rằng Washington sẽ tôn trọng thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran, bất chấp các tuyên bố của Quốc hội Mỹ.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha ngày 15/4, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Javad Zarif nói rằng Chính phủ Mỹ có nghĩa vụ phải thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã tham gia ký kết, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức toàn bộ các biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Tehran khi các bên ký thỏa thuận hạt nhân cuối cùng.

Liên quan tới những quan ngại của một số nước về việc Nga vừa quyết định xúc tiến thương vụ bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, Ngoại trưởng Zarif khẳng định thương vụ này là “hoàn toàn hợp pháp” và không ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1.

Theo ông, hợp đồng mua bán vũ khí này đạt được trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Iran và Nga, và Moskva đang thực thi các điều khoản của hợp đồng một cách hợp pháp.

Cũng trong ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Ngoại trưởng Javad Zarif có thể gặp những người đồng cấp thuộc P5+1 tại New York (Mỹ) vào cuối tháng này nhằm đẩy nhanh nỗ lực tiến tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện.

Theo phát ngôn viên bộ trên, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran và các quan chức ngoại giao hàng đầu của P5+1 sẽ có mặt tại New York để tham dự hội nghị đánh giá 5 năm/lần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), khai mạc vào ngày 27/4 tới, và có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán bên lề hội nghị này.

Trong một diễn biến khác, ngày 15/4, Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Reza Najafi cho biết các cuộc đàm phán giữa Iran và phái đoàn chuyên gia IAEA diễn ra tại Tehran cùng ngày vẫn chưa giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng.

Theo ông Najafi, hai bên đã thảo luận một số giải pháp cho hai vấn đề lớn trong chương trình hạt nhân của Iran bao gồm hoạt động thử nghiệm các thiết bị nổ tại bãi thử ở thành phố Marivan, phía Tây Iran, và tính toán lượng nơtron, song chưa đạt kết quả cụ thể. Hai bên nhất trí nỗ lực đạt giải pháp trong các cuộc đàm phán tới.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa IAEA và Iran kể từ khi Iran và P5+1 đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của nước này hồi đầu tháng Tư để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Theo thỏa thuận khung, Iran nhất trí thu hẹp phạm vi chương trình hạt nhân của mình và cho phép IAEA tới thanh sát hoạt động hạt nhân trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục