Số lượng nữ đại biểu Quốc hội hoặc thành viên Nghị viện ở các nước châu Á, Thái Bình Dương bị xếp hạng gần chót trong bản đồ thế giới. Trong khi ấy, ngay cả những nước châu Âu hay châu Mỹ với tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Nghị viện cao hơn, sự hiện diện của nữ giới vẫn bị coi là chưa "xứng tầm."
Số liệu cung cấp trong Hội nghị "Nữ nghị sĩ" thuộc khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức sáng nay (28/3), tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước châu Á-Thái Bình Dương chỉ ở mức 15,7-18,5%.
Cũng theo thống kê của IPU, xếp hạng cao nhất là những nước thuộc khu vực Bắc Âu và châu Mỹ với tỷ lệ trên 26%. Đáng chú ý, trong số gần 190 quốc gia, vùng lãnh thổ được thống kê, 8 nước không hề có bộ trưởng là nữ giới và 5 nước hoàn toàn vắng bóng phụ nữ trong quốc hội.
Những con số này được bà Rebecca Kadaga, Chủ tịch Quốc hội Uganda nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình. Mở rộng ra chính Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới đang tổ chức năm nay, bà cho rằng, tỷ lệ phụ nữ tham gia IPU năm nay chỉ đạt 28,4% đã phần nào nói lên sự thiếu cân bằng giữa nam và nữ ở các quốc gia.
Điều này theo bà là chưa tương xứng và cần có cơ chế chính thức để số lượng phụ nữ được tham gia vào những vị trí quan trọng san bằng với nam giới.
Đồng tình quan điểm này, bà Dorries Dlakude, Nữ nghị sĩ Quốc hội Nam Phi khẳng định nữ nghị sĩ quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cuộc sống của những người phụ nữ.
"Chúng ta cần những người phụ nữ có thể đứng lên bảo vệ cho các vấn đề ảnh hưởng tới phụ nữ, có tiếng nói đến với nam giới trong xã hội để giúp đỡ phụ nữ," bà Dorries Dlakude kêu gọi.
Nói về Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là mục tiêu nhất quán của Việt Nam. Theo Chủ tịch Quốc hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội ViệT Nam hiện đang đạt tỷ lệ khoảng 25%.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Việt Nam đang phấn đấu nâng cao tỷ lệ trên trong thời gian tới.
Bàn về giải pháp, bà Dorries Dlakude, Nữ nghị sĩ Quốc hội Nam Phi chia sẻ kinh nghiệm ở quốc gia mình trong đó nhấn mạnh việc thành lập nhiều tổ chức dành cho phụ nữ đi kèm với kế hoạch hành động cụ thể.
"Đất nước chúng tôi cũng có những chính sách để tăng số lượng đại biểu nữ nghị sĩ tham gia quốc hội. Họ đại diện cho phụ nữ để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của phụ nữ," đại diện Nam Phi nói.
Chưa đưa ra lời khuyên cụ thể với Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung nhưng bà Molissa Lee, Nữ nghị sĩ Quốc hội New Zealand cho rằng, ở nước bà hiện đang có chính sách khuyến khích phụ nữ trở thành nghị sĩ Quốc hội.
Điều này theo bà một phần giúp số lượng nữ nghị sĩ ở New Zealand đang đạt tỷ lệ khoảng 32%.
"Tôi nghĩ mỗi quốc gia có sự khác biết, khác biệt về văn hóa, về con người nhưng có thêm tiếng nói của nữ nghĩ sĩ sẽ giúp việc đưa ra quyết định lớn của đất nước được đúng đắn hơn," bà Molissa Lee lên tiếng.
Nói thêm về giải pháp thời gian tới, đại diện Uỷ ban điều phối nữ nghị sĩ cho hay, cơ quan này đã đề ra những nguyên tắc chung cho các nghị viện trong đó nhấn mạnh yêu cầu ủng hộ bình đẳng giới.
Văn bản về nguyên tắc ứng xử theo đại diện Uỷ ban điều phối nữ nghị sĩ sẽ được đưa ra ngay trong những ngày tới tới đại diện các nước để cùng nhất trí thông qua./.