Ngày 29/3, ngày làm việc đầu tiên sau lễ khai mạc, các phiên họp quan trọng trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã cùng Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, lãnh đạo Ban Thư ký IPU tiến hành cuộc họp Ban chỉ đạo Đại hội đồng để trao đổi về chương trình nghị sự và các hoạt động chính của Đại hội đồng theo Điều lệ của IPU. Trưởng đoàn Pakistan và Phillipines đã đề cử Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch IPU-132.
Tiếp đó, Hội đồng Điều hành, cơ quan điều hành và định hướng, giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu của IPU, đã triệu tập kỳ họp thứ 196, thông qua chương trình nghị sự, nhất trí thông qua đề cử Chủ tịch IPU-132, kiểm điểm hoạt động của Hội đồng điều hành và báo cáo thường niên của Tổng thư ký IPU trong năm 2014. Hội đồng điều hành đã cho ý kiến về việc giữ nguyên tổng số thành viên IPU là 166 và chưa kết nạp thêm thành viên mới; cho ý kiến về 8 chủ đề khẩn cấp để Đại hội đồng lựa chọn. Đại hội đồng đã có phiên họp đầu tiên thảo luận về các nội dung của chương trình nghị sự, bầu Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, xem xét các yêu cầu bổ sung nội dung khẩn cấp vào chương trình nghị sự. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury thông báo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU-132).
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ cảm kích trước sự tin tưởng đề cử của Đại hội đồng, cam kết sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình và mong đợi sự ủng hộ, hợp tác của các đại biểu tại Đại hội đồng. Điều hành phiên họp Đại hội đồng, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến lời nói thành hành động”, “thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới."
Cũng tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, có bài phát biểu dẫn đề về nội dung thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).
Phát biểu tại Đại hội đồng, Cố vấn đặc biệt, đại diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed nhấn mạnh IPU-132 là dịp đặc biệt, là thời điểm đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán định ra các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thông qua vào tháng 9/2015. Nhấn mạnh 17 mục tiêu SDGs và 169 tiêu chí, bà Amina cho rằng để thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu này cần sự hợp tác chặt chẽ của toàn thế giới; trong đó, các Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực; giám sát Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặt con người vào vị trí trọng tâm...
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá cao ý kiến của đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed về sự tham gia của IPU trong các vấn đề của Liên hợp quốc, nhấn mạnh kỳ vọng của IPU về những vấn đề chung của cộng đồng toàn cầu và giải pháp xử lý vấn đề; bày tỏ mong muốn qua phiên thảo luận chung, các đại biểu tập trung đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng của IPU tại Hà Nội.
Phiên họp Đại hội đồng đã kéo dài hết ngày 29/3 với phát biểu của 27 Trưởng đoàn, Chủ tịch Quốc hội với tư cách là những người đứng đầu Nghị viện. Đại hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của IPU-132.
Cùng ngày, đã diễn ra các phiên họp của Ủy ban về Nhân quyền; Ủy ban về Tài chính, Thương mại và phát triển bền vững; Ủy ban về Hòa bình và An ninh quốc tế. Cũng trong khuôn khổ IPU-132 đã diễn ra Diễn đàn Nghị sỹ trẻ. Tại các phiên họp và diễn đàn, nhiều ý kiến phát biểu đại diện cho nhiều nước và nhóm địa lý khác nhau, đưa ra các gợi ý và đề xuất đóng góp cho dự thảo Nghị quyết cuối cùng. Ủy ban Thường trực về các vấn đề của Liên hợp quốc cũng tiến hành phiên họp với sự tham dự của hàng trăm đại biểu, chia sẻ ý kiến về nội dung tăng cường hợp tác IPU-Liên hợp quốc, phát huy kết quả hợp tác 70 năm qua và đề xuất cải tổ Liên hợp quốc, tăng tính đại diện, công bằng, bình đẳng, bảo đảm lợi ích chung, tăng đại diện của nhánh lập pháp và người dân...
Trong khuôn khổ Đại hội đồng cũng đã diễn ra Hội nghị bên lề “Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới”; Hội nghị của Hiệp hội các Tổng thư ký (ASGP) . Hội nghị ASGP sẽ tiếp tục các phiên thảo luận trong các ngày tiếp theo và sẽ kết thúc vào ngày 1/4/2015.
Ngày 29/3, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đã có các buổi tiếp đoàn đại biểu Quốc hội các nước.
Tối 29/3, tại khu du lịch Đồng Mô diễn ra Đêm hội Đoàn kết Nghị viện do Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng chủ trì./.