iPhone đang khiến giá cổ phiếu Apple rơi vào tình trạng hỗn loạn

Sau khi vượt đỉnh 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa, Apple dường như đang trôi sang sườn dốc, khi giá cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất tới hơn 20% giá trị kể từ tháng 10.
iPhone đang khiến giá cổ phiếu Apple rơi vào tình trạng hỗn loạn ảnh 1iPhone XS. (Nguồn: Reuters)

Sau khi vượt đỉnh 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa, Apple dường như đang trôi sang sườn dốc.

Trong những tuần qua giá cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất tới hơn 20% giá trị kể từ tháng 10, tương ứng với mức giảm hơn 100 tỷ USD so với cột mốc 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Giá cổ phiếu Apple trải qua tuần giảm liên tiếp thứ tám và có tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tất cả bắt đầu với iPhone

Vào ngày 1/11, cùng với báo cáo tài chính quý 4, Apple cho biết doanh số iPhone thấp hơn dự kiến trong quý thứ tư liên tiếp và cảnh báo doanh số bán hàng dịp kỳ nghỉ cuối năm cũng thấp hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Đáng chú ý, hãng cũng thông báo ngừng báo cáo doanh số bán hàng và số liệu doanh thu iPhone.

Gần như ngay lập tức, thị trường phản ứng khá tiêu cực với những thông tin trên khi đẩy giá cổ phiếu Apple giảm 6,6% trong phiên giao dịch tiếp theo.

[Nhật báo Phố Wall: Apple cắt giảm sản lượng cả ba mẫu iPhone mới]

Sau đó, xuất hiện các tin đồn về chuỗi cung ứng và suy đoán Apple cắt giảm các đơn đặt hàng linh kiện cho những chiếc iPhone mới nhất của mình. Cổ phiếu Apple giảm 5% trong tuần trước sau khi ít nhất bốn nhà cung cấp linh kiện, gia công iPhone cắt giảm dự báo doanh thu.

"Đây là cảm xúc tiêu cực như tôi đã thấy từ các nhà đầu tư vào cổ phiếu Apple trong các năm 2014, 2015," Dan Ives, giám đốc quản lý nghiên cứu cổ phiếu của Wedbush Securities, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn.

Apple không lạ gì với những tin đồn về chuỗi cung ứng, và họ đang chiến đấu với sự suy giảm trong phân khúc iPhone của mình trong vài quý qua.

Nhưng đó là "tin tức xấu." Mức độ nghiêm trọng của các báo cáo và sự vắng mặt của bất kỳ điểm dữ liệu đáng khích lệ nào trước báo cáo kinh doanh tiếp theo của Apple vào tháng 1 đã đè nặng lên giá cổ phiếu của Táo khuyết, ông Ives nhận định.

Doanh số

Những động thái của Apple để giữ doanh số bán iPhone không bị trượt dốc cho thấy mức độ phụ thuộc rất lớn, có tính chất "sống còn" của Táo khuyết với mảng kinh doanh mang lại doanh thu lớn nhất.

Trong năm 2008, năm đầu tiên bán iPhone, chiếc điện thoại thông minh này chiếm 5,7% tổng doanh thu của Apple. Năm sau, con số đó tăng gấp ba lần. Doanh số iPhone tương ứng với một phần trăm tổng doanh thu tăng lên mỗi năm và đạt đỉnh điểm vào năm 2015, khi iPhone chiếm 2 USD trên mỗi 3 USD Apple thu về.

[Doanh số iPhone thấp khiến Apple mất danh hiệu công ty nghìn tỷ USD]

Độ bão hòa thị trường toàn cầu và chu kỳ nâng cấp dài hơn đã làm giảm doanh số bán điện thoại thông minh trong những năm tới. Và các báo cáo về doanh số bán hàng tăng nhẹ ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi như Ấn Độ - nơi Apple vẫn còn chỗ để hoạt động - đã tạo ra sự nghi ngờ về khả năng của Táo khuyết trong việc duy trì đà tăng trưởng dài hạn của iPhone.

Trong nhiều năm, câu chuyện của Apple là câu chuyện về iPhone. Mẫu điện thoại thông minh 'đánh cắp' hình hài của chiếc máy nghe nhạc iPod và đã nhanh chóng trở thành hình mẫu, cơ sở thiết kế cho các bản cập nhật gần đây cho iPad, Mac và các mẫu điện thoại thông minh cao cấp của đối thủ.

Bất kỳ điểm yếu nào trong mảng kinh doanh hàng đầu của Apple có thể làm rung chuyển cổ đông của công ty và sẽ khó có thứ gì bù đắp được.

Các mảng kinh doanh khác

Apple đã công khai hạ thấp mảng điện thoại thông minh của mình thay vào đó đề cao mảng dịch vụ đang phát triển và các "sản phẩm khác." 

Các dịch vụ của Apple bao gồm App Store, Apple Care, Apple Pay và các dịch vụ đám mây. Các sản phẩm khác bao gồm phần cứng như Apple Watch, AirPods và HomePod. Các mảng kinh doanh này hiện là hai chủ đề mà CEO Apple Tim Cook luôn hào hứng trong mỗi bài phát biểu, nhưng đáng tiếc chúng không thể tạo ra mức doanh thu khổng lồ như iPhone.

Đối với năm tài chính 2018 của Apple, doanh thu kinh doanh dịch vụ đạt tổng cộng 37 tỷ USD và doanh thu từ Sản phẩm khác đạt 17 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu từ iPhone đạt tới 167 tỷ USD - cao gấp hơn 3 lần tổng doanh thu của hai mảng kinh doanh Dịch vụ và Sản phẩm khác cộng lại.

Các nhà phân tích và cổ đông vẫn đang hy vọng sự đổi mới thực sự của Apple - như dự án kính "thông minh" tăng cường thực tế ảo hoặc một sản phẩm xe tự lái - nhưng hãng đã chậm chạp trong triển khai những dự án này. Năm ngoái, ông Cook cho biết công nghệ cho kính tăng cường thực tế ảo chưa thể có sớm.

Tác động từ hiệu ứng cổ phiếu FAANG

Và trong khi chờ đợi một sự đổi mới thực sự, cổ phiếu của Apple tiếp tục giảm nhưng bên cạnh tác động từ doanh số iPhone thì còn có hiệu ứng từ sự trượt dốc cổ phiếu của nhóm các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ được gọi là FAANG gồm tập hợp các hãng: Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google).

Các cổ phiếu thường tăng cao của Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet đều giảm mạnh trong những tuần gần đây.

Trong 3 tháng qua, giá trị cổ phiếu của: Facebook đã giảm 23%, Amazon 20%, Netflix 21% và Alphabet 15%.

Mike Huffman, giám đốc đầu tư tại Rock Point Advisors tại Vermont nhận định Apple đã bị cuốn vào sự biến động của nhóm FAANG./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục