Interpol cảnh báo nguy cơ tội phạm ăn trộm, làm giả vắcxin COVID-19

Tổng Thư ký Interpol, Juergen Stock cho biết trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đang chuẩn bị triển khai tiêm vắcxin, các tổ chức tội phạm đã lên kế hoạch thâm nhập hoặc làm gián đoạn nguồn cung.
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/12, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo các nước về mối đe dọa từ các nhóm tội phạm có tổ chức trong chiến dịch tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sắp tới, bao gồm các nguy cơ về vắcxin giả và ăn trộm vắcxin.

Việc phân phối hai loại vắcxin mới sẽ sớm bắt đầu và nhiều người sẽ tìm cách bảo vệ mình sớm nhất có thể, khiến họ có nguy cơ trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.

Tổng Thư ký Interpol, Juergen Stock cho biết trong bối cảnh các chính phủ đang chuẩn bị triển khai tiêm vắcxin, các tổ chức tội phạm đã lên kế hoạch thâm nhập hoặc làm gián đoạn nguồn cung.

Các mạng lưới tội phạm sẽ nhằm vào những người cả tin thông qua các trang web giả mạo, phương thuốc giả, gây mối nguy hại lớn cho sức khỏe và tính mạng của người dân.

Tháng Bảy vừa qua, Interpol cũng đã cảnh báo về sự lan tràn của các bộ xét nghiệm COVID-19 giả, các sản phẩm y tế khi các nước trên thế giới đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung trong đại dịch.

Đơn vị chống tội phạm mạng của Interpol gần đây cũng điều tra khoảng 3.000 trang web có liên quan đến các hãng dược phẩm chuyên bán thuốc bất hợp pháp và các sản phẩm y tế khác trên mạng, trong đó có 1.700 trang web sử dụng mánh khóe để lừa người dân cung cấp dữ liệu cá nhân hay sử dụng các phần mềm độc hại khác.

Tổ chức này kêu gọi mọi người cần cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn trên mạng.

[Italy, Nhật Bản sẽ cung cấp vắcxin COVID-19 miễn phí cho người dân]

Hiện, nhiều hãng dược phẩm, các bệnh viện và giới chức y tế của một số nước đang cất giữ vắcxin ở những nơi bí mật và an toàn. Không những vậy, họ còn tiến hành thêm các biện pháp để bảo vệ các liều vắcxin quý giá trước sự rình rập của bọn trộm cắp chuyên nghiệp.

Trong khi đó, tại Đức, các chuyên gia nhận định phải tới năm 2022, toàn bộ dân số Đức mới có thể được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, ông Thomas Mertens, người đứng đầu STIKO, ủy ban chuyên gia về sử dụng vắcxin của Đức, cho biết trong trường hợp mỗi ngày có 150.000-200.000 người được tiêm, với điều kiện tất cả người dân đều sẵn lòng tiêm và duy trì được mức này trong 5-6 ngày/tuần, thì sẽ phải mất tới 100 ngày để tiêm được cho 15 triệu người.

Đức đang xúc tiến việc thiết lập các trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước để có thể triển khai chiến dịch nhanh chóng một khi vắcxin được cấp phép tại Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Angela Merkel cho hay khoảng 60-70% dân số nước này cần được bảo đảm miễn dịch với COVID-19 thông qua tiêm vắcxin, hay nhiễm virus để chính phủ có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như giới hạn các cuộc tụ tập cá nhân. Việc tiêm vắcxin tại Đức là không bắt buộc.

Từ nhiều tháng qua, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để tìm ra vắcxin ngừa COVID-19.

Theo dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn được công bố vào tháng trước, cả hai loại vắcxin của Moderna (Mỹ) và BioNTech/Pfizer đều an toàn và có hiệu quả lên tới 95%.

Cả Moderna và Pfizer/BioNTech đều đã đăng ký để EU phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp, dù vẫn chưa rõ liệu hai vắcxin này có thể được sử dụng bắt đầu từ năm nay hay không.

Anh hiện đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vắcxin ngừa COVID-19, khi Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế của Anh (MHRA) cấp phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục