Intel cân nhắc đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam

Theo nguồn tin của Reuters, việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam được cho là sẽ giúp Tập đoàn Intel quản lý tốt hơn sự gián đoạn nguồn cung do phụ thuộc nhiều vào một quốc gia hoặc một nhà máy.
Intel cân nhắc đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam ảnh 1Intel đang xem xét tăng khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam. (Nguồn: Shutterstock)

Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin đáng tin cậy cho hay Tập đoàn Intel đang xem xét tăng khoản đầu tư đáng kể 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng nhà máy thử nghiệm và sản xuất chip tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Reuters, động thái nói trên báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, khi các công ty nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết khoản đầu tư này có thể sẽ được thực hiện "trong những năm tới" và thậm chí lớn hơn 1 tỷ USD, trong khi nguồn tin thứ hai cho biết Intel cũng đang cân nhắc đầu tư thay thế vào Singapore và Malaysia, nơi có thể được ưu ái hơn Việt Nam.

Cả hai nguồn tin đều ẩn danh vì kế hoạch vẫn chưa được công khai từ phía Intel.

[Sản xuất chip, chất bán dẫn giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam]

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư khả thi, Intel nói với Reuters: "Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào."

Nhà máy sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) - trung tâm thương mại phía nam Việt Nam - là nhà máy lớn nhất thế giới của Intel. Kể từ khi công bố dự án tại Việt Nam vào năm 2006, đến nay công ty ước tính đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.

Gã khổng lồ về chip của Hoa Kỳ đã có thêm đất để đặt nhà máy và việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam được cho là sẽ giúp Intel quản lý tốt hơn sự gián đoạn nguồn cung do phụ thuộc nhiều vào một quốc gia hoặc một nhà máy, một nguồn tin của Reuters cho hay.

Việt Nam hiện là trung tâm công nghệ thông tin, điểm đến yêu thích của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút các công ty nước ngoài trong cả ba phân khúc chính là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; sản xuất và chế tạo; thiết kế.

Một quan chức ngành công nghiệp Hoa Kỳ khẳng định rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip, trong khi ông thấy việc phát triển các nhà máy sản xuất chip là một khả năng rất thấp, trừ khi các nhà máy chế tạo ra những con chip lớn hơn, kém phức tạp hơn vẫn đang có nhu cầu cao, chẳng hạn như chip cho ôtô.

Quan chức này cho biết cơ hội lớn nhất của Việt Nam là lĩnh vực lắp ráp chip để đáp ứng nhu cầu của ngành và giảm "tập trung quá mức" vào sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan, hiện chiếm đến 60% công suất toàn cầu.

Thiết kế chip đòi hỏi ít vốn hơn và nhiều công nhân có tay nghề cao hơn. Việt Nam đang thâm nhập vào lĩnh vực này, trong bối cảnh tập đoàn Synopsys của Hoa Kỳ cũng đang hoạt động ở Việt Nam và các công ty địa phương của Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, bao gồm cả FPT và Viettel.

Bên cạnh đó, gã khổng lồ về chip và điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã mở một cơ sở nghiên cứu tại Hà Nội vào cuối năm ngoái và có một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam. Trước khi Trung tâm R&D mới của Samsung được khánh thành cuối năm 2022, ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã lập nhóm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam vào năm 2012, hoạt động trên phạm vi các cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội.

Sau sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn do đại dịch COVID-19, vào cuối năm 2021, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và sản xuất chip mới tại Malaysia.

Cơ sở đó dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Intel cũng có các cơ sở thử nghiệm và sản xuất ở Trung Quốc và Hoa Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục