Sau gần 20 năm khôi phục và phát triển, từ những cánh rừng hoang sơ ban đầu, Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển; ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển.
Bên cạnh đó, cây rừng còn cung cấp củi, gỗ được dùng làm bột giấy, ván dăm, ván ghép; có thể khai thác lâu dài vì cây có khả năng phục hồi nhanh. Vỏ cây dùng để sản xuất chất tanin dùng nhuộm vải lưới, làm keo dán; lá cây mắm được dùng làm thức ăn cho gia súc.
Ngoài ra, các loại cây như cây lức, ô rô, xu, chùm gọng... trong vùng ngập mặn Cần Giờ còn được dùng để làm thuốc.
Một nguồn lợi quan trọng khác không thể không kể đến, theo Phó giáo sư, tiến sỹ Viên Ngọc Nam (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), chính là nguồn lợi về thủy, hải sản.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có rất nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao như cá chẽm, cá mú, cá ngát, tôm sú, tôm thẻ, sò huyết… Lá cùng các bộ phận của cây trong rừng ngập mặn khi rụng xuống sẽ phân hủy thành mùn hữu cơ, là nguồn thức ăn dồi dào cho các loại động vật dưới nước.
Nghề nuôi tôm, sú, nghêu, sò phát triển từ năm 1993 cho tới nay tại đây chính là kết quả của việc phục hồi thành công rừng ngập mặn Cần Giờ, góp phần rất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội cũng như cải thiện đời sống nhân dân./.