Indonesia vượt Ấn Độ về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu

Báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2017 đã xếp Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, ở vị trí thứ 90 trên tổng số 118 quốc gia với số điểm là 36,81.
Tuần hành về quyền của người lao động ở Indonesia tháng 11/2016. (Nguồn: Antara)

Theo báo Jakarta Global ngày 17/1, báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2017 (GTCI) đã xếp Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, ở vị trí thứ 90 trên tổng số 118 quốc gia với số điểm là 36,81.

Vị trí của Indonesia được đánh giá cao hơn nền kinh tế mới nổi Ấn Độ (xếp thứ 92). Trong khi đó, hai quốc gia láng giềng của Indonesia là Singapore được 74,09 điểm GTCI, xếp thứ hai toàn cầu, sau Thụy Sĩ và Malaysia xếp thứ 28 toàn cầu với 56,41 điểm.

Báo cáo trên cho biết so với các nước trong khu vực, Indonesia không có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút nhân tài đồng thời duy trì và phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao.

Báo cáo nhận định rằng Indonesia còn phải đi “một chặng đường dài” trong việc nuôi dưỡng nhân tài nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những thay đổi lớn do những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, máy móc và tự động hóa.

Báo cáo cũng cho thấy công nghệ và máy móc chắc chắn sẽ thay thế một số lượng lớn lao động, do đó các quốc gia như Indonesia cần phải cân nhắc lại mô hình tăng trưởng và tăng cường đầu tư cải thiện kỹ năng lao động.

Về mặt tích cực, đối với Indonesia, báo cáo lưu ý rằng các doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức đầy đủ hơn và có nhu cầu cao đối với lao động tay nghề cao. Điều đó sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nhân công kỹ năng cao.

Giữ các vị cao nhất trong bảng xếp hạng chủ yếu là các quốc gia ở châu Âu, có nền kinh tế phát triển, trình độ lao động cao và mức thu nhập cao. Các nước xếp hạng cao chia sẻ những yếu tố quan trọng, bao gồm hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, chính sách việc làm ưu tiên sự linh hoạt, năng động, người khởi nghiệp và có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính phủ.

GTCI đánh giá để một quốc gia phát triển, thu hút và giữ được nhân tài thì việc cung cấp các dữ liệu thông tin cho chính phủ, chủ doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đưa ra những quyết định và chính sách tốt hơn. GTCI sử dụng dữ liệu công từ các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Văn hóa Khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Chỉ số Quản trị Toàn cầu, Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Báo cáo năm nay cũng nêu bật những ảnh hưởng của công nghệ đối với năng lực cạnh tranh nhân tài. Báo cáo này do Trường kinh doanh toàn cầu INSEAD hợp tác với tập đoàn nhân sự toàn cầu Adecco và Viện Lãnh đạo Nguồn Nhân lực về tư vấn giáo dục có trụ sở tại Singapore thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục