Indonesia với tham vọng nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới

Theo SCMP, nếu muốn trở thành nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới, Indonesia cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, nhân tài và năng lượng tái tạo.
Indonesia với tham vọng nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: devdiscourse.com)

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đăng bài viết nhận định rằng, Indonesia có nguồn cung lớn về nickel, cobalt và đồng, những kim loại cần thiết để sản xuất pin xe điện.

Tuy nhiên, nếu muốn trở thành nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới, Indonesia cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, nhân tài và năng lượng tái tạo.

Tiềm năng của Indonesia

Khi ngành sản xuất xe điện (EV) đang ngày càng phát triển mạnh tại châu Á, Indonesia đang hy vọng trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng với vai trò là nhà sản xuất pin lithium-ion lớn.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sở hữu 1/4 trữ lượng nickel của thế giới - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin và là quốc gia kiểm soát trữ lượng lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Australia và Brazil.

Ông Andrey Berdichevskiy, Giám đốc tại Trung tâm Giải pháp Di động Tương lai của Deloitte ở Singapore, đã nhận xét, Indonesia là trung tâm của nhiều nguyên liệu thô thiết yếu để sản xuất pin EV, không chỉ nickel mà còn cả cobalt và đồng.

Tuy nhiên, để kế hoạch thành công, Indonesia cần giải quyết những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của mình và tiến hành chuyển đổi trên diện rộng sang sản xuất giá trị cao bằng cách đầu tư vào công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao.

Trong năm qua, Indonesia đã tìm kiếm khả năng hợp tác với công ty sản xuất xe điện Tesla của Mỹ và xúc tiến các thỏa thuận với công ty công nghệ Amperex Contemporary (CATL) của Trung Quốc và LG Chem của Hàn Quốc, hai trong số những nhà sản xuất pin EV hàng đầu thế giới.

CATL đã công bố khoản đầu tư 5,2 tỷ USD để xây dựng các nhà máy pin tích hợp tại Indonesia, trong khi LG Chem đã ký một biên bản ghi nhớ về khoản đầu tư 9,8 tỷ USD để sản xuất pin EV.

Theo Ban điều phối đầu tư của Indonesia (BKPM), Indonesia đặt mục tiêu tăng cường đầu tư vào lĩnh vực pin EV lên 35 tỷ USD vào năm 2033, gấp đôi tổng vốn đầu tư của năm 2020. LG Chem và CATL cung cấp pin cho các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc của Tesla.

[Indonesia bước đầu hiện thực hóa tham vọng sản xuất pin xe ôtô điện]

Mặc dù chưa ký kết bất kỳ điều gì cụ thể với Tesla, nhưng Jakarta vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Giám đốc điều hành Elon Musk của Tesla. Khi Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan đến thăm và làm việc tại Mỹ vào tháng 11/2020, ông đã gặp cựu Tổng thống Donald Trump và một số nhân viên liên quan tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông Luhut không gặp được ông Musk, người đang cách ly vì dịch COVID-19. Những nỗ lực để thu hút sự quan tâm của ông Musk tiếp tục được thúc đẩy sau đó khi đích thân Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) gọi điện cho ông Musk để thảo luận về xe điện và ông đã mô tả Indonesia là địa điểm phóng tiềm năng cho SpaceX, liên doanh sản xuất hàng không vũ trụ và vận tải vũ trụ của ông Musk.

Ông Musk trả lời rằng ông sẽ cử một nhóm từ Tesla đến khảo sát các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và mặc dù không có ngày nào được ấn định, Jakarta vẫn giữ liên lạc với công ty.

Sau sáu cuộc gọi điện, Tesla đã gửi một đề xuất đầu tư vào đầu tháng 2/2021 để xây dựng một cơ sở cho hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) và nhà máy pin lithium-ion ở Indonesia.

Tesla điều hành một đơn vị ESS có tên là Powerwall, một loại pin gia đình được thiết kế để lưu trữ năng lượng từ năng lượng Mặt Trời hoặc lưới điện để có thể sử dụng vào ban đêm hoặc khi mất điện.

Không có thông tin cập nhật nào về kế hoạch của Tesla đối với Indonesia, mặc dù các báo cáo tin tức cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy EV ở Ấn Độ và tiếp tục mua pin từ nhà cung cấp lâu năm là Panasonic của Nhật Bản trong hai năm tới cho đến khi có thể sản xuất một sản phẩm rẻ hơn thay thế.

Nỗ lực thu hút dòng vốn nước ngoài

Trong những năm gần đây, Indonesia đã cố gắng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài giúp nước này phát triển các ngành công nghiệp tinh chế khoáng sản để gia tăng giá trị cho nền kinh tế, cấm xuất khẩu các mặt hàng thô và yêu cầu các công ty khai thác xây dựng các cơ sở luyện kim trong nước.

Vào năm 2015, Indonesia đã thành lập một khu công nghiệp nickel rộng 2.000 ha ở Morowali, Sulawesi, nơi ngày nay đã trở thành trung tâm khai thác nickel của đất nước. Tập đoàn thép khổng lồ Tsingshan Holding có trụ sở tại Ôn Châu, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 5 tỷ USD vào khu công nghiệp và điều hành một nhà máy ở đó.

GEM, một nhà cung cấp vật liệu pin EV của Trung Quốc, đang xây dựng một nhà máy tinh chế nickel trị giá 700 triệu USD ở Morowali, nhưng việc khởi động dự án đã bị trì hoãn cho đến năm 2022 do đại dịch COVID-19. Ít nhất bốn nhà máy như vậy đang được lên kế hoạch bởi các tập đoàn do Trung Quốc đứng đầu ở Indonesia.

Quặng nickel được khai thác từ Indonesia hiện chủ yếu được sử dụng để làm các tấm thép không gỉ, nhưng Tổng thống Jokowi mong muốn nickel sẽ được sử dụng trong sản xuất pin lithium-ion vào năm 2024.

Trong năm qua, Jakarta đã ban hành ít nhất bảy quy định để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện nội địa. Ngày 1/3/2021, Indonesia đã công bố một quy định mới của Tổng thống nhằm giảm thuế cho một số ngành công nghiệp bao gồm nấu chảy nickel và khí hóa than.

Để thúc đẩy lĩnh vực này, Indonesia sẽ thành lập công ty Indonesia Battery Corporation (IBC) trong nửa đầu năm 2021, bao gồm bốn doanh nghiệp nhà nước là tập đoàn khai khoáng quốc gia Mining Industry Indonesia, nhà sản xuất nickel lớn nhất Indonesia - Aneka Tambang, công ty năng lượng Pertamina và nhà cung cấp điện PLN. IBC sẽ hợp tác cùng bảy công ty đa quốc gia là CATL, BYD Auto và Farasis Energy của Trung Quốc; LG Chem và Samsung SDI của Hàn Quốc; Tesla (Mỹ) và Panasonic (Nhật Bản) để tạo thành các liên doanh cùng phát triển lĩnh vực pin EV trị giá 17,4 tỷ USD của quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Agus Tjahajana Wirakusumah, người đứng đầu Nhóm phát triển dự án pin EV, đã phát biểu trong một phiên điều trần gần đây của Quốc hội rằng, nhờ các liên doanh trên, Indonesia hy vọng sẽ giải quyết khoảng cách về nhân tài và công nghệ của mình bằng các kinh nghiệm sản xuất pin nickel từ các đối tác nước ngoài.

Còn theo ông Mamit Setiawan, Giám đốc điều hành của Energy Watch có trụ sở tại Jakarta, vì Indonesia không có kinh nghiệm sản xuất pin nickel nên các doanh nghiệp nhà nước thuộc IBC sẽ phải học hỏi công nghệ từ các đối tác Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chính phủ phải đảm bảo rằng các đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng chuyển giao chuyên môn và công nghệ cho các đối tác Indonesia để đất nước và người dân có thể hưởng lợi từ các dự án pin EV.

Thách thức về năng lượng sạch

Mặc dù nguồn điện rẻ và chi phí lao động thấp sẽ khiến Indonesia trở thành điểm đến hấp dẫn cho sản xuất pin EV, các nhà phân tích cho rằng nước này nên xem xét lại nguồn năng lượng của các lò luyện nickel và các trạm sạc điện.

Các nhà môi trường cảnh báo rằng các lò luyện chạy bằng than đá ở hòn đảo giàu tài nguyên Sulawesi đã gây ô nhiễm môi trường và sẽ làm tổn hại đến mục tiêu chung của các nhà sản xuất ô tô là giảm lượng khí thải carbon.

Năm 2020, CEO của Tesla, Elon Musk cho biết sẽ trao “một hợp đồng khổng lồ trong một thời gian dài” cho bất kỳ nhà cung cấp nào nếu họ “khai thác nickel hiệu quả và theo cách thân thiện với môi trường.” Các công ty đa quốc gia cũng ngày càng có ý thức về tác động môi trường mà các dự án của họ gây ra.

Để tuân thủ cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Indonesia đặt mục tiêu cấm bán ô tô động cơ đốt trong vào năm 2040. Đây là khung thời gian tương tự mà Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đã đưa ra.

Tuy nhiên, Indonesia gặp nhiều trở ngại trong việc thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy luyện nickel và các trạm sạc công cộng cho xe điện.

Chuyên gia Mamit Setiawan của Energy Watch cho biết, các lò luyện cần một lượng điện lớn và nguồn năng lượng lớn nhất và rẻ nhất ở Indonesia là than. Indonesia đã đặt ra mục tiêu sử dụng năng lượng hỗn hợp chiếm 23% tổng năng lượng sử dụng vào năm 2025, nhưng mục tiêu này khó có thể đạt được.

Hiện nay, năng lượng tái tạo chỉ 11,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Indonesia và phần còn lại là than đá hoặc dầu mỏ.

Ông Mamit Setiawan của Energy Watch hy vọng rằng Indonesia có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang khí đốt tự nhiên hoặc năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời trong tương lai.

Indonesia đã có một dự luật về năng lượng tái tạo từ năm 2018, nhưng nó ít được chú ý cho đến năm 2021, dự luật này đã được đưa vào 33 dự luật ưu tiên.

PLN, tập đoàn điện lực Indonesia, đã xây dựng 37 trạm sạc công cộng cho xe điện và đặt mục tiêu xây dựng thêm 2.400 trạm vào năm 2025. Nhưng ông Mamit dự báo các trạm sạc sẽ vẫn được cung cấp nhiên liệu bằng than và dầu trong vài năm tới.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, đây giống như “con dao hai lưỡi” bởi một mặt, Indonesia đang cố gắng giảm số lượng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nhưng mặt khác, các trạm sạc sử dụng than vẫn sẽ gây ô nhiễm không khí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục