Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Hồi giáo

Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp tổng cộng hơn 600 triệu USD để thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Hồi giáo nhằm giúp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia.
Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Hồi giáo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Economic Times)

Indonesia sẽ trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Hồi giáo nhằm giúp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Bambang Brodjonegoro cho biết Indonesia cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) sẽ đồng sáng lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Hồi giáo, dự kiến trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng này sẽ hoạt động như một ngân hàng cơ sở hạ tầng toàn cầu dựa trên cách tiếp cận luật Hồi giáo Sharia.

Để hội đủ điều kiện thành viên sáng lập, Indonesia đóng góp hơn 300 triệu USD, bằng với số vốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp.

Chủ tịch Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) Muliaman D. Hadad cho biết Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh để trở thành nước đặt trụ sở chính của ngân hàng mới.

Bộ trưởng Bambang cho biết thêm chính phủ đang lên kế hoạch thành lập ngân hàng cơ sở hạ tầng đầu tiên của Indonesia, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2015, thông qua việc sáp nhập Công ty dịch vụ hạ tầng tài chính nhà nước, Trung tâm đầu tư Chính phủ (PIP) và công ty Sarana Multi Infrastruktur (SMI).

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết tăng đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.

Theo Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas), trong Kế hoạch Phát triển quốc trung hạn giai đoạn 2015-2019, quốc đảo này sẽ cần khoản tài chính 5,5 triệu tỷ Rp (416,4 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Riêng trong năm nay, Chính phủ Indonesia đã dự trù khoản ngân sách 195.000 tỷ Rp cho các dự án cơ sở hạ tầng, và tích cực kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế, trong nước cùng tham gia.

Vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã có cuộc gặp Tổng thống Jokowi ở Jakarta, hứa cung cấp khoản tài chính lên tới 12 tỷ USD cho Jakarta trong nguồn vốn bổ sung cho 3-4 năm tới.

WB hiện là đối tác phát triển lớn nhất của Indonesia, các khoản vay của định chế tài chính này chiếm tới 60% tổng số nợ mà Indonesia vay từ các tổ chức đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục