Indonesia và Nhật Bản hợp tác về công nghệ và hệ thống định vị vệ tinh

Hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith của Nhật Bản có thể được sử dụng để hỗ trợ phát triển xe điện tự hành và phao thông minh do Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia đang chế tạo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Harakah Daily)

Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN) và Ban Thư ký Chính sách không gian quốc gia thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa ký kết ý định thư (LoI) về hợp tác phát triển, sử dụng các công nghệ và hệ thống định vị vệ tinh.

Nhấn mạnh sự cần thiết của vệ tinh và các công nghệ liên quan đối với các quốc gia quần đảo như Indonesia, ông R. Hendrian, Phó Giám đốc BRIN, cho biết LoI nói trên - được ký kết tại Jakarta vào ngày 25/7 - là điểm khởi đầu với kỳ vọng sẽ được tiếp nối bằng các công việc cụ thể.

Trong khi đó, ông Budi Prawara, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Điện tử và Tin học trực thuộc BRIN, cho biết hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith (QZSS) của Nhật Bản có thể được sử dụng trong quá trình triển khai LoI hợp tác giữa hai nước.

Theo ông Prawara, do có độ chính xác cao, hệ thống định vị vệ tinh của Nhật Bản này có thể được sử dụng để hỗ trợ phát triển hệ thống xe điện tự hành và phao thông minh do BRIN đang phát triển.

Ông Prawara tiết lộ rằng hệ thống định vị ôtô tự lái đang là một trong những trọng tâm nghiên cứu của BRIN, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này đã lên kế hoạch tổ chức một hội thảo về công nghệ và hệ thống định vị vệ tinh.

[Indonesia: Phóng thành công vệ tinh đa chức năng mạnh nhất châu Á]

Cũng theo kế hoạch, một số chuyên gia Nhật Bản sẽ được mời chia sẻ quan điểm, kiến thức và kinh nghiệm cho những người tham dự hội thảo vốn đang tham gia các dự án nghiên cứu về chế tạo máy thu định vị vệ tinh.

Theo trang web chính thức của QZSS, đây là một hệ thống định vị, dẫn đường, đo thời gian bằng vệ tinh do Nhật Bản nghiên cứu phát triển, bao phủ khu vực Đông Á và châu Đại Dương.

Tuy nhiên, đây không phải là một hệ thống hoạt động độc lập mà được sử dụng kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ hoặc các hệ thống khác, nhằm nâng cao độ chính xác của dữ liệu định vị thu từ vệ tinh.

QZSS góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, hiện đại hóa và tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ quản lý của các tổ chức công, đồng thời giúp đảm bảo an ninh và giảm thiểu các thảm họa thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục