Indonesia và Mỹ thảo luận hợp tác năng lượng xanh thủ đô mới

Thủ đô mới của Indonesia sẽ được áp dụng ý tưởng phát triển như một thành phố rừng với hệ sinh thái thiên nhiên, thành phố bọt biển nhằm giảm lũ lụt, thành phố thông minh năng động, tích hơp.
Indonesia và Mỹ thảo luận hợp tác năng lượng xanh thủ đô mới ảnh 1Người đứng đầu Chính quyền Thủ đô mới Nusantara (OIKN) của Indonesia, ông Bambang Susantono. (Nguồn: Antara)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu Chính quyền Thủ đô mới Nusantara (OIKN) của Indonesia, ông Bambang Susantono đã thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Indonesia và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng xanh trong khuôn khổ sáng kiến “Tăng cường phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng” cho châu Á hay còn gọi là Sáng kiến EDGE châu Á.

Tại cuộc họp ngày 6/6, ông Susantono đã giới thiệu về việc chỉ định và các yêu cầu đối với hệ thống năng lượng tái tạo mới cho khu vực thành phố thủ đô mới của Indonesia, với định hướng trở thành “một thành phố xanh, tích hợp, thông minh và bền vững.”

Ông Susantono cho biết việc triển khai năng lượng xanh bao gồm một hệ thống điện sẽ được phát triển theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, kế hoạch ngắn hạn (2022–2023) gồm hỗ trợ phát triển các hệ thống điện Mặt Trời áp mái và hệ thống điện Mặt Trời tại các khu công cộng, thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp và các trạm sạc.

[Nhà đầu tư kêu gọi an ninh năng lượng phải phù hợp mục tiêu khí hậu]

Trong trung hạn (2024–2025), chính quyền thành phố thủ đô mới sẽ phát triển một trang trại điện gió công suất 70 MW và một trang trại điện Mặt Trời công suất 50 MW.

Trong khi đó, chương trình dài hạn (2026–2045) sẽ bao gồm việc xây dựng một nhà máy thủy điện có công suất 910 MW vào năm 2028.

Theo ông Susantono, ít nhất 3 ý tưởng sẽ được áp dụng trong việc phát triển thành phố thủ đô mới.

Một là một thành phố rừng, trong đó một phần lớn rừng hoạt động như một hệ sinh thái để tạo ra một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Hai là một thành phố “bọt biển,” trong đó khả năng hấp thụ nước được tăng cường nhằm giảm lũ lụt và cải thiện chất lượng cũng như số lượng nước sạch.

Ba là một thành phố thông minh, năng động, tích hợp, được hỗ trợ bởi cộng đồng và sẵn sàng hướng tới tương lai.

Ngoài ra, thành phố thủ đô mới sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ như một động lực thúc đẩy tăng năng suất và chất lượng cuộc sống.

Trong khi đó, ông Mohammed Ali Berawi, Trưởng bộ phận điều phối về chuyển đổi và đổi mới công nghệ thuộc Nhóm chuyển đổi thành phố thủ đô mới khẳng định rằng “siêu trung tâm kinh tế” này sẽ được hiện thực hóa thông qua các cụm kinh tế chiến lược, linh hoạt và đổi mới, qua đó mang lại rất nhiều cơ hội hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục