Ngày 4/2, tại Cung điện Bogor, Tây Java, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị các trợ lý đánh giá tác động của dịch bệnh do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là thương mại với Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia đưa ra chỉ thị trên sau khi chính phủ nước này một ngày trước đó đã ra lệnh cấm tất cả các chuyến đi và đến Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của 2019-nCoV. Indonesia cũng tạm hoãn cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto tuyên bố tạm thời cấm nhập khẩu động vật tươi sống từ Trung Quốc, biện pháp này được áp dụng ngay lập tức và sẽ duy trì cho đến khi năn chặn được virus.
Năm 2019, Indonesia nhập khẩu các sản phẩm phi dầu khí tổng trị giá 44,5 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm gần 30% tổng lượng nhập khẩu của nước này.
Từ tháng 1-11/2019, có 1,9 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Indonesia, chiếm gần 13% tổng số lượt khách du lịch nước ngoài.
[Indonesia tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc]
Theo Tổng thống Jokowi, việc hạn chế nhập khẩu có thể tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu và xuất khẩu nhiều sản phẩm sang các nước khác từng nhập khẩu các sản phẩm đó từ Trung Quốc.
Việc hạn chế du lịch và nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ người dân Indonesia khỏi sự lây lan của 2019-nCoV.
Động thái trên của Indonesia đã vấp phải sự phản đối từ Chính phủ Trung Quốc. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, việc áp đặt cấm đi lại và hạn chế nhập khẩu sẽ gây bất lợi cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong khi đó, tại Australia, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Philip Lowe ngày 5/2 cho rằng thảm họa cháy rừng tại nước này và dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra chỉ tác động ngắn hạn đối với nền kinh tế và tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế đất nước trong năm 2020.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thống đốc Lowe cho rằng những thiệt hại do các vụ cháy rừng kéo dài tại Australia thời gian qua cùng với dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV tại Trung Quốc sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn và những đánh giá của RBA về tăng trưởng kinh tế của Australia trong năm 2020 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Dự kiến, trong nửa đầu năm 2020, thiên tai và dịch bệnh sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia sụt giảm khoảng 0,2%.
Theo ông Lowe, nếu thiệt hại tiếp tục kéo dài cùng với việc tỷ lệ thất nghiệp có dấu hiệu tăng, RBA sẽ sẵn sàng tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cuối năm 2019, RBA đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Australia năm 2020 sẽ đạt 2,75% và 3% vào năm tiếp theo./.