Indonesia tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa động đất-sóng thần

Một lễ cầu nguyện quy mô lớn sẽ được tổ chức ngày 28/9 để tưởng nhớ các nạn nhân trong trận động đất có độ lớn 7,5 và cơn sóng thần sau đó san phẳng một thành phố ở đảo Sulawesi cách đây đúng 1 năm.
Indonesia tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa động đất-sóng thần ảnh 1Một khu lều trại cho người dân ở tạm sau trận động đất và sóng thần ở thành phố Palu, Indonesia, ngày 3/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, trên khắp đất nước Indonesia người dân hướng về thành phố Palu tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa động đất-sóng thần kinh hoàng khiến hơn 4.000 người thiệt mạng.

Theo kế hoạch, một lễ cầu nguyện quy mô lớn sẽ được tổ chức vào cuối ngày 28/9 để tưởng nhớ các nạn nhân trong trận động đất có độ lớn 7,5 và cơn sóng thần sau đó đã san phẳng thành phố duyên hải thuộc đảo Sulawesi này cách đây đúng 1 năm.

Lực tác động của cơn địa chấn đã gây ra hiện tượng hóa lỏng đất, khiến mặt đất ở Palu hóa bùn và sụt lún, "nuốt chửng" hàng nghìn ngôi nhà và các tài sản khác.

Số liệu thống kê của Hội chữ thập Đỏ cho thấy khoảng 4.300 người thiệt mạng hoặc mất tích trong thảm họa thiên tai này, trong khi gần 60.000 người vẫn đang phải sống trong các khu nhà tạm sau khi nhà của họ bị phá hủy.

Thảm họa cũng phá hủy nhiều tàu đánh cá, các cửa hàng và hệ thống tưới tiêu, cướp đi kế sinh nhai của người dân địa phương.

[Indonesia xảy ra động đất mạnh 4,5 độ ở Trung Sulawesi]

Hàng trăm trường học đã bị hư hại và hiện vẫn còn trong tình trạng "quá nguy hiểm nếu sử dụng" theo đánh giá của tổ chức Save The Children ngày 28/9, theo đó trẻ em phải học tại các cơ sở tạm thời và chia ca học do không đủ chỗ trong lớp học.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cấp cho Indonesia khoản vay tới 1 tỷ USD để giúp chính quyền thành phố Palu khắc phục hậu quả thiên tai.

Indonesia là một trong những quốc gia thường xuyên hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, do vị trí địa lý của nước này nằm trên khu vực được giới khoa học gọi là "Vành đai lửa Thái Bình Dương" - nơi các tầng kiến tạo va chạm nhau.

Quốc đảo Đông Nam Á này cũng là nơi có tới hơn 100 ngọn núi lửa đang hoạt động, trong đó vụ núi lửa Anak Krakatau ở eo biển Sunda, giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào tháng 12/2018 đã gây sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng.

Ngày 26/12/2004, một trận động đất độ lớn 9,1 gây sóng thần cũng đã xảy ra ở khu vực ngoài khơi Sumatra, cướp đi sinh mạng của 220.000 người trên khắp khu vực Ấn Độ Dương, trong đó có khoảng 170.000 người ở Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục