Indonesia, Trung Quốc nhất trí về phần đội vốn dự án đường sắt cao tốc

Năm 2022, Hạ viện Indonesia đã phê duyệt khoản đầu tư bổ sung vốn nhà nước trị giá 210,4 triệu USD cho công ty đường sắt quốc doanh Kereta Api Indonesia để hoàn thành dự tàu cao tốc Jakarta-Bandung.
Indonesia, Trung Quốc nhất trí về phần đội vốn dự án đường sắt cao tốc ảnh 1Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. (Nguồn: Global Times)

Ngày 13/2, Thứ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) Kartika Wirjoatmodjo cho biết quốc gia này và Trung Quốc đã nhất trí về chi phí vượt dự toán của dự án đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung của tỉnh Tây Java.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước) thuộc Hạ viện, ông Kartika cho hay: “Chúng tôi vừa trở về từ Bắc Kinh và đã thống nhất về phần đội vốn của cả phía Indonesia và Trung Quốc. Vì vậy, kinh phí có thể được giải ngân ngay cho liên danh KCIC.”

Ông Kartika tiết lộ rằng BUMN đang đàm phán về thời hạn khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và dự kiến sẽ hoàn tất trong 1-2 tuần nữa để dự án tàu cao tốc có thể hoàn thành đúng lịch trình đề ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới.

Quan chức này cũng bày tỏ kỳ vọng rằng một khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt cao tốc sẽ được kết nối với tuyến đường sắt vận tải hạng nhẹ (LRT) vào dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 17/8/2023.

Trước đó vào năm 2022, Ủy ban VI thuộc Hạ viện đã phê duyệt khoản đầu tư bổ sung vốn nhà nước trị giá 3.200 tỷ rupiah (210,4 triệu USD) cho công ty đường sắt quốc doanh Kereta Api Indonesia (KAI) để hoàn thành dự án tàu cao tốc Jakarta-Bandung.

[Indonesia, Trung Quốc chưa nhất trí về chi phí dự án tàu cao tốc]

Với tổng chiều dài 142 km, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung là một phần của các dự án chiến lược quốc gia được triển khai thông qua sự hợp tác giữa Indonesia và Trung Quốc.

Tuyến đường này được khởi công xây dựng vào tháng 1/2016 với kế hoạch hoàn thành vào năm 2018.

Tuy nhiên, dự án đã nhiều lần phải lùi tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, chi phí xây dựng cũng tăng cao so với ước tính ban đầu là 5,5 tỷ USD, buộc Chính phủ Indonesia phải bơm hơn 7.000 tỷ rupiah (462,1 triệu USD) tính đến thời điểm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục