Theo Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai và Khí tượng Indonesia (PVMBG), trận động đất mạnh 7 độ Richter ở Lombok, Tây Nusa Tenggara đã không làm gia tăng hoạt động núi lửa Rinjani ở Lombok và núi Agung ở hòn đảo lân cận là Bali.
Tuy nhiên, trung tâm này vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoạt động của hai ngọn núi lửa nói trên để có thể đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất có thể.
Người đứng đầu PVMBG, ông Kasbani cho biết dựa trên các thông số thu được, đã có tổng cộng 147 cơn dư chấn sau trận động đất 7 độ Richter ở Lombok, trong đó có 13 cơn dư chấn mạnh có thể cảm nhận rõ những rung lắc, đặc biệt có cơn dư chấn mạnh nhất đo được tới 5,7 độ Richter.
Các chuyên gia động đất giải thích dư chấn là một cơ chế tự nhiên để làm cạn kiệt năng lượng của trận động đất đã xảy ra, sau đó các cấu trúc đá hoặc đất mới quay trở lại trạng thái ổn định.
Chính các cơn dư chấn khiến cho người dân và du khách lo sợ, mặc dù các địa điểm du lịch gồm ba đảo nhỏ lân cận Lombok được giới chức tuyên bố là đã an toàn nhưng nhiều khách du lịch đã chủ động yêu cầu được sơ tán.
[Động đất tại Indonesia: Sơ tán 900 du khách trên quần đảo gần Lombok]
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) kêu gọi người dân phải thận trọng, bình tĩnh và tạm thời không ở trong các tòa nhà dễ bị sụp đổ. Mọi người được khuyến cáo tránh xa những sườn núi hoặc vách đá để phòng tránh các vụ sạt lở đất có thể xảy ra, nhất là trong những cơn dư chấn.
Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết tính đến chiều 6/8 đã có tổng cộng 358 người được sơ tán từ ba hòn đảo du lịch lân cận Lombok (gồm Gili Trawangan, Gili Meno và Gili Air) sau trận động đất mạnh 7 độ Richter.
Trong số này có 208 người nước ngoài và 150 công dân Indonesia. Công tác sơ tán được thực hiện với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan, đầu tiên những người sơ tán được đưa lên thuyền cao su, sau đó chuyển sang tàu lớn hơn của Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas).
Về số nạn nhân, tính đến chiều 6/8, 91 người đã thiệt mạng, 209 người bị thương cùng hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy do động đất. Tuy nhiên, có thể đây chưa phải là con số cuối cùng vì vẫn còn những người bị mất tích dưới các ngôi nhà bị sập.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, đến chiều 6/8, chưa có thông tin về người Việt Nam có mặt tại thời điểm xảy ra vụ động đất trên đảo Lombok.
Ngay sau khi nhận được thông tin về động đất, Đại sứ quán đã triển khai thiết lập đường dây nóng (+62811161025), cắt cử cán bộ trực điện thoại 24/24 giờ. Qua đó bước đầu ghi nhận ba trường hợp công dân Việt Nam đang du lịch tại đảo Bali lân cận bị ảnh hưởng tâm lý nhẹ do phòng khách sạn lưu trú có hiện tượng sụt nứt vì những dư chấn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đề nghị các công dân phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để chủ động xử lý tình huống, đồng thời theo dõi chặt chẽ và làm theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng xử lý khủng hoảng tại địa phương. Trong trường hợp tình hình có diễn biến xấu, Đại sứ quán sẽ có những biện pháp bảo hộ phù hợp./.