Indonesia: Tổng thống ra lệnh sản xuất UAV quân sự vào năm 2022

Công ty hàng không vũ trụ PTDI được giao sản xuất phần thân máy bay, trong khi Công ty PT Len sẽ đảm trách chế tạo các thiết bị quân sự cho máy bay như cảm biến, radar và hệ thống vũ khí.
Indonesia: Tổng thống ra lệnh sản xuất UAV quân sự vào năm 2022 ảnh 1Mẫu UAV mới mà Indonesia sản xuất mang tên Elang Hitam. (Nguồn: thejakartapost)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho hai công ty nhà nước bắt đầu sản xuất máy bay không người lái (UAV) quân sự tầm xa từ từ năm 2022.

Đây là loại UAV với khả năng bay ở độ cao trung bình và thời gian hoạt động dài (MALE) lần đầu tiên được sản xuất tại Indonesia.

Mẫu UAV này được thiết kế để bay ở độ cao từ 3.000 đến 9.000m trong thời gian dài.

Công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia (PTDI) được giao sản xuất phần thân máy bay, trong khi Công ty PT Len sẽ đảm trách chế tạo các thiết bị quân sự cho máy bay như cảm biến, radar và hệ thống vũ khí.

[Indonesia ra mắt máy bay không người lái phục vụ dân sự và quân sự]

Phát biểu tại Văn phòng Phủ tổng thống sau cuộc họp nội các hôm 6/2, Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro cho biết theo kế hoạch ban đầu, mẫu UAV mang tên Elang Hitam (đại bằng đen) sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự và sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2024, tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu trong nước, cũng như tiến triển trong quá trình thiết kế và sản xuất, Tổng thống Widodo đã ra lệnh bắt đầu sản xuất hàng loạt thiết bị bay quân sự trên từ năm 2022.

Elang Hitam do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ, Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, và Cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Indonesia thiết kế và phát triển.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và Tư lệnh Quân đội, Đại tướng Không quân Hadi Tjahjanto đã bày tỏ quan tâm loại UAV tầm xa này, đặc biệt là trong các hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới.

Theo Bộ trưởng Bambang, PTDI và PT Len ban đầu lên kế hoạch sản xuất 5 chiếc UAV Elang Hitam vào năm 2022 trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt. Đây là 5 nguyên mẫu đầu tiên nhằm thăm dò nhu cầu thị trường.

Việc đẩy nhanh quá trình sản xuất khiến chi phí đầu tư tăng lên 1.100 tỷ Rupiah (80,51 triệu USD), so với mức 800 tỷ Rupiah theo kế hoạch ban đầu.

Trước đó, hồi cuối tháng 12 vừa qua, PTDI đã giới thiệu một mẫu MALE UAV phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Theo PTDI, chiếc UAV này cần đường băng có độ dài 700 m để cất cánh và hạ cánh.

Phương tiện này có trần bay khoảng 20.000 feet, tương đương hơn 6.000 m, vận tốc tối đa 235km/h và có thể hoạt động liên tục trong khoảng thời gian 30 giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục