Indonesia tiến hành trục vớt phần thân máy bay QZ8501

Ngày 24/1, lực lượng cứu hộ Indonesia đã bắt đầu trục vớt phần thân chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia rơi xuống biển Java cuối tháng trước.
Lực lượng cứu hộ kiểm tra một phần xác máy bay được trục vớt dưới biển Java ngày 10/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/1, lực lượng cứu hộ Indonesia đã bắt đầu trục vớt phần thân chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia rơi xuống biển Java cuối tháng trước.

Theo ông Rasyid Kacong, quan chức Hải quân Indonesia phụ trách chiến dịch này, từ rạng sáng 24/1, đội thợ lặn đã gắn các túi khí vào thân máy bay QZ8501 để đưa lên mặt nước, song nỗ lực đầu tiên chưa thành công do các dây buộc bị đứt.

Các thợ lặn tiếp tục áp dụng phương pháp trên để trục vớt. Quan chức cấp cao Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia (Basarnas), ông S.B Supriyadi cho biết chiến dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong ngày.

Trước đó, ngày 23/1, lần đầu tiên các thợ lặn đã vào được bên trong thân máy bay kể từ khi tìm thấy phần xác máy bay này hồi tuần trước và đã đưa 4 thi thể nạn nhân khỏi thân máy bay.

Việc tìm kiếm gặp khó khăn do trong khoang máy bay có nhiều vật trôi nổi và không có ánh sáng.

Như vậy tính đến nay đã có 69 thi thể nạn nhân được trục vớt. Các nhân viên cứu hộ hy vọng hoạt động này sẽ thuận lợi hơn sau khi thân máy bay được trục vớt.

Lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia chuyển thi thể nạn nhân QZ8501 từ máy bay trực thăng Seahawk của hải quân Mỹ tại Pangkalan Bun, tỉnh Trung Kalimantan, ngày 4/1/2015. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Chiếc máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không AirAsia chở 162 hành khách và phi hành đoàn, bị rơi xuống biển Java vào ngày 28/12/2014 trong điều kiện thời tiết mưa bão. Tại thời điểm gặp nạn, máy bay đang trên hành trình từ tỉnh Surabaya của Indonesia đến Singapore.

Hai hộp đen của máy bay, gồm thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị lưu dữ liệu chuyến bay, đã được trục vớt thành công ngày 13/1 vừa qua, hiện đang được các nhà điều tra xem xét kỹ lưỡng nhằm làm rõ nguyên nhân máy bay rơi.

Kết quả phân tích ban đầu cho thấy không có dấu hiệu đây là một vụ khủng bố hay bắt cóc.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan, chiếc máy bay đã tăng độ cao nhanh bất thường trước khi khựng lại và lao xuống biển. Trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, phi công đã xin phép tăng độ cao để tránh một cơn bão lớn nhưng đã không được chấp thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục