Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy nhanh việc chuyển đổi năng lượng để tiến tới đạt thỏa thuận toàn cầu trong lĩnh vực này.
Lời kêu gọi trên do Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif đưa ra trong lễ khởi động Diễn đàn chuyển đổi năng lượng G20, được tổ chức vào ngày 10/2 tại thủ đô Jakarta.
Hoạt động này là một phần trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia bắt đầu từ ngày 1/12/2021 cho đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 11/2022 tại đảo Bali.
Bộ trưởng Arifin khẳng định diễn đàn sẽ là cầu nối khuyến khích các nước phát triển và đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, đồng thời củng cố hệ thống năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, Diễn đàn cũng được kỳ vọng sẽ mang lại các kết quả cụ thể hơn nhằm củng cố hệ thống năng lượng toàn cầu bền vững, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Arifin, trụ cột chuyển đổi năng lượng bao gồm 3 vấn đề ưu tiên, gồm khả năng tiếp cận, công nghệ và tài trợ.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của 3 vấn đề này, ông Arifin hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo quan chức trên, thông qua Diễn đàn chuyển đổi năng lượng G20, Indonesia cũng có thể thu thập các cam kết toàn cầu mạnh mẽ hơn nhằm thực hiện mục tiêu về tiếp cận năng lượng tới năm 2030.
Đây là kết quả được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) mong đợi tiếp theo Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2021 nhằm hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.
[Ấn Độ, ASEAN có thể hợp tác phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo]
Cũng tại buổi lễ nêu trên, phát biểu thay mặt Tổng thống Joko Widodo, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan nhấn mạnh các hành động chuyển đổi năng lượng phải được thực hiện công bằng và có tác động tích cực về kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Luhut cho rằng việc thay đổi mô hình này chắc chắn sẽ tác động đến sự thay đổi công việc, kịch bản phát triển, định hướng kinh doanh…, đồng thời khẳng định điều này cần được hỗ trợ đầy đủ thông qua hợp tác toàn cầu mạnh mẽ.
Bộ trưởng Luhut tuyên bố Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích sự ra đời của một ngành công nghiệp xanh hơn, cũng như sự đóng góp của lĩnh vực tư nhân và các nhà từ thiện để tạo ra nguồn tài trợ cho các dự án đổi mới như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng tại quốc gia Đông Nam Á này./.