Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với vai trò Chủ tịch ASEAN

Thứ trưởng Thương mại Indonesia cho biết trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Indonesia đã đề xuất 7 mục tiêu kinh tế ưu tiên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với vai trò Chủ tịch ASEAN ảnh 1Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga. (Nguồn: Liputan 6)

Ngày 21/3, phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) diễn ra trong các ngày 20-23/3 tại tỉnh Trung Java, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga bày tỏ lạc quan rằng Indonesia - với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023 - sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Thứ trưởng Jerry nhấn mạnh Indonesia là quốc gia đông dân nhất và là nền dân chủ lớn nhất ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong khu vực về quy mô và nền kinh tế.

Đây là những thế mạnh của Indonesia trong việc dẫn dắt ASEAN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á.

Ông Jerry cho biết trong khuôn khổ AEM, Indonesia đề xuất 7 mục tiêu kinh tế ưu tiên, bao gồm xây dựng Khuôn khổ tạo thuận lợi cho dịch vụ ASEAN; ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ 2 Hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand; thành lập Bộ phận hỗ trợ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta; thúc đẩy Sáng kiến Dự án Công nghiệp ASEAN; thực hiện khai báo C/O mẫu D điện tử qua Cơ chế một cửa ASEAN; thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển Khuôn khổ Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA); xây dựng Lộ trình hài hóa hóa các tiêu chuẩn ASEAN nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, nhiều hoạt động cũng sẽ diễn ra trong năm nay, gồm Ngày bán hàng trực tuyến ASEAN (AOSD), lễ khởi động chính thức RCEP sau khi Philippines hoàn tất quy trình phê chuẩn, ra mắt Công cụ tìm kiếm biểu thuế ASEAN mới và công bố nghiên cứu về Thỏa thuận khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) trong tháng 8, và khởi động đàm phán DEFA trong tháng Chín.

Theo ông Jerry, ASEAN đã trở thành khối kinh tế lớn với trao đổi thương mại đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 7,5% thương mại toàn cầu và tăng mạnh so với mức 2.000 tỷ USD vào năm 2010.

[Indonesia công bố 3 ưu tiên kinh tế trong Năm Chủ tịch ASEAN 2023]

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế ASEAN đang cho thấy khả năng phục hồi tốt và được dự báo sẽ tăng trưởng 11% trong năm nay.

Về quan hệ hợp tác thương mại với ASEAN, ông Jerry cho hay, trong 5 năm qua, thặng dư thương mại của Indonesia với ASEAN liên tục gia tăng.

Cụ thể, thặng dư cán cân thương mại phi dầu khí của Indonesia với ASEAN đã tăng từ 3,92 tỷ USD vào năm 2018 lên 20,42 tỷ USD vào năm 2022.

Riêng trong năm nay, cán cân thương mại của Indonesia với ASEAN đã thặng dư 1,42 tỷ USD vào tháng 1/2023.

Trong 9 nước thành viên ASEAN còn lại, Indonesia chỉ ghi nhận thâm hụt cán cân thương mại với 2 nước là Thái Lan (398,8 triệu USD) và Lào (10,8 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục