Indonesia sẽ giám sát những thành tựu của ba trụ cột chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah ngày 1/5 cho biết về trụ cột thứ nhất - “ASEAN quan trọng,” Indonesia đã chuẩn bị Tầm nhìn ASEAN đến năm 2045, cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố chung về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.
Kết quả của trụ cột thứ nhất này dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tới tại khu nghỉ dưỡng Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban quý 1 nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 diễn ra hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh một số vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy thảo luận, bao gồm đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), xóa bỏ nạn buôn bán người, tăng cường thể chế hóa Đối thoại nhân quyền ASEAN, soạn thảo Lộ trình kết nạp Timor Leste và ký kết Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
[ASEAN-Nga tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược]
Về trụ cột thứ hai - “Tâm điểm tăng trưởng,” các ưu tiên như củng cố cấu trúc y tế thông qua sáng kiến “Một sức khỏe,” tăng cường an ninh lương thực, tăng cường an ninh năng lượng, trong đó có phát triển hệ sinh thái xe điện, đã được thảo luận.
Ngoài ra, cam kết sử dụng các đồng tiền nội tệ của ASEAN trong các giao dịch thương mại và kết nối các cơ chế thanh toán trong khu vực cũng đã được nhất trí nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực.
Về trụ cột thứ ba - triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), bà Retno nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác cụ thể trong khuôn khổ AOIP dựa trên các nguyên tắc bao trùm, hợp tác và phát triển kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ba trụ cột trên, một số cuộc họp quan trọng cũng đã được tổ chức trong bốn tháng qua, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hẹp ASEAN từ ngày 1-4/2 tại Jakarta; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN từ ngày 2-5/2 tại Yogyakarta; Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN và các cuộc họp liên quan từ ngày 6-8/3 tại Jakarta; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) từ ngày 20-22/3 tại Magelang; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN từ ngày 28-31/3 tại Bali.
Bên cạnh đó, Đối thoại Thanh niên ASEAN về các mục tiêu phát triển bền vững từ ngày 11-13/4 cũng đã được tổ chức với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu đến từ các nước ASEAN và Timor Leste nhằm trao đổi ý kiến và đưa ra các khuyến nghị liên quan phát triển kỹ thuật số ở Đông Nam Á trước các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 sắp tới.
Ông Faizasyah nhấn mạnh rằng thông qua chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng,” Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp tục đảm bảo sự phù hợp của ASEAN trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của hiệp hội với vai trò là tâm điểm tăng trưởng kinh tế khu vực, vì sự thịnh vượng của người dân./.