Bộ Y tế Indonesia đã tiến hành thả muỗi vằn Wolbachia ở thành phố Semarang, tỉnh Trung Java, như một phần của dự án thí điểm chống bệnh sốt xuất huyết, căn bệnh lây nhiễm cho hàng chục nghìn người và khiến hàng trăm người tử vong ở nước này mỗi năm.
Số muỗi nói trên mang Wolbachia - một loài vi khuẩn tự nhiên có khả năng khống chế các loại virus như virus sốt xuất huyết, khiến chúng khó sản sinh bên trong muỗi vằn, từ đó làm giảm khả năng truyền bệnh sang người.
Sau thành phố Semarang, Bộ Y tế Indonesia dự kiến mở rộng chương trình thí điểm trên sang 4 thành phố khác bao gồm Tây Jakarta, Bandung (tỉnh Tây Java), Bontang (tỉnh Đông Kalimantan), và Kupang (tỉnh Đông Nusa Tenggara).
Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết: “Dự án Wolbachia sẽ bổ sung cho các chương trình kiểm soát sốt xuất huyết khác đã được Bộ Y tế thực hiện, như chiến dịch 3M (làm sạch, che đậy bể nước và không để các địa điểm chứa nước tù đọng); chương trình làm sạch các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; và các nhóm công tác chống dịch sốt xuất huyết (pokjanal) cấp thôn làng."
Theo một nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ mắc bệnh xuất huyết ở Indonesia đã tăng gấp 700 lần trong 45 năm qua. Riêng năm 2022, Bộ Y tế nước này ghi nhận 131.265 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1.135 ca tử vong. Từ đầu năm đến ngày 15/5 vừa qua, Indonesia đã ghi nhận ít nhất 31.380 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 246 ca tử vong.
Tại Indonesia, các nghiên cứu về hiệu quả của muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia trong việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết đã được tiến hành từ năm 2011.
[Bình Dương: Thả 30 triệu muỗi mang Wolbachia phòng sốt xuất huyết]
Vào năm 2017, một nghiên cứu do Chương trình muỗi thế giới (WMP) của Đại học Monash (Australia) và Đại học Gadjah Mada (Indonesia) tiến hành đã thả muỗi vằn Wolbachia tại một số điểm nóng sốt xuất huyết ở Yogyakarta.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia giúp giảm tới 77% số ca sốt xuất huyết và 86% số ca nhập viện. Dự án Wolbachia cũng giúp cắt giảm đáng kể chi phí cho các nỗ lực kiểm soát sốt xuất huyết, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Theo công bố của các nhà khoa học thuộc WMP vào năm ngoái, nếu được triển khai tại 7 thành phố lớn ở Indonesia, công nghệ này có thể giúp ngăn chặn tới 1 triệu ca sốt xuất huyết và cứu sống khoảng 500 người mỗi năm.
Bên cạnh việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, Chính phủ Indonesia cũng đã mua và phê duyệt 2 loại vaccine chống sốt xuất huyết là Dengvaxia của hãng Sanofi Pasteur (Pháp) và Qdenga của công ty IDT Biologika GmbH (Đức) để tiêm phòng cho những người trong độ tuổi từ 9-16 tuổi và 6-45 tuổi./.