Indonesia: Tăng trưởng kinh tế ở mức âm trong 4 quý liên tiếp

Theo quan chức đứng đầu BPS cho biết mặc dù tăng trưởng vẫn đang ở mức âm song đã có tín hiệu cải thiện tích cực so với quý II/2020 (âm 5,32%), quý III/2020 (âm 3,49%) và quý IV/2020 (âm 2,19%).
Indonesia: Tăng trưởng kinh tế ở mức âm trong 4 quý liên tiếp ảnh 1Với hơn 1,6 triệu ca mắc và hơn 46.000 ca tử vong, Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở khu vực châu Á. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) ngày 5/5 cho biết kinh tế nước này trong quý I/2021 suy giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này ở mức âm. 

Ông Suhariyanto, quan chức đứng đầu BPS, cho biết mặc dù tăng trưởng vẫn đang ở mức âm song đã có tín hiệu cải thiện tích cực so với quý II/2020 (âm 5,32%), quý III/2020 (âm 3,49%) và quý IV/2020 (âm 2,19%). Điều này cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế đang đi đúng hướng.  

Theo BPS, tăng trưởng âm là do lạm phát tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực tiếp tục giảm sâu, trong đó chi tiêu hộ gia đình giảm 2,23%, đầu tư giảm 0,23%, giao thông giảm 4,24% và thông tin liên lạc giảm 1,36%.

Đặc biệt, ngành vận tải và kho bãi giảm sâu nhất là âm 13,12%.Trong khi đó, lĩnh vực chi tiêu của chính phủ tăng 2,96% và bất động sản tăng 8,72%.

Cũng theo số liệu của BPS, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xây dựng và khai khoáng đóng góp gần 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cho thấy các khu vực này hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước.

Ngoài ra, trong quý I/2021, cán cân thương mại của Indonesia đạt thặng dư, với xuất khẩu tăng 6,74% và nhập khẩu tăng 5,27%.

Theo ông Suhariyanto, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong các quý II, III và IV/2021 được dự báo sẽ nằm trong khoảng tích cực, trong đó, tăng trưởng trong quý II/2021 dự báo sẽ dương và đưa Indonesia thoát khỏi bờ vực suy thoái.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang gây sức ép lên nền kinh tế cả từ phía cung và cầu. Vì vậy, chính phủ cần tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý tiền tệ để tiếp tục duy trì và cải thiện 2 điều này.

[Ấn Độ công bố gói tài chính hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19]

Với hơn 1,6 triệu ca mắc và hơn 46.000 ca tử vong, Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở khu vực châu Á. Dịch COVID-19 còn khiến hàng triệu người Indonesia lâm vào cảnh mất việc làm,trong khi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp hạn chế trên diện rộng mà chính phủ buộc phải thực hiện để chống dịch.

Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2021 xuống 4,1-5,1% so với mức 4,8-5,3% được dự báo trước đó.

Năm 2020, kinh tế của Indonesia suy giảm 2,07%. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế này suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999. Nhằm bù đắp những tác động từ dịch bệnh, Chính phủ Indonesia đã đưa ra gói kích thích kinh tế, trị giá 48 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục