Indonesia tăng cường kiểm soát lạm phát trong năm 2014

Một trong những ưu tiên của Indonesia trong năm 2014 là tăng cường kiểm soát lạm phát để đảm bảo ổn định kinh tế.
Indonesia tăng cường kiểm soát lạm phát trong năm 2014 ảnh 1Một công trình xây dựng tại thủ đô Jakarta. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Hatta Rajasa cho biết một trong những ưu tiên của chính phủ nước này trong năm 2014 là tăng cường kiểm soát lạm phát để đảm bảo ổn định kinh tế và duy trì sức mua mạnh mẽ - một trong hai động lực tăng trưởng chủ chốt cho tăng trưởng của nền kinh tế đất nước cùng với thu hút đầu tư.

Trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2014, Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5-5,5% và chi tiêu công sẽ tăng 6,7% lên khoảng 206.000 tỷ rupiah để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó chủ yếu dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ trưởng Hatta Rajasa, giữ lạm phát trong tầm kiểm soát là một trong những bước thực hiện của Chính phủ Indonesia để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài và duy trì sức mua trong nước của người dân.

Ngoài ra, sự tập trung thực hiện chính sách còn được dành cho việc duy trì chất lượng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Hatta Rajasa cho biết thêm rằng thị trường đã có phản ứng tích cực đối với quyết định cấm xuất khẩu khoáng sản thô từ ngày 12/1 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển, và Chính phủ Indonesia cũng sẽ tăng cường kiểm soát nhập khẩu những hàng hóa có khả năng gây tổn thương cho các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời tăng cường thương mại nội địa để giữ ổn định giá cả, cải thiện lưu thông phân phối hàng hóa và lành mạnh hóa hơn nữa môi trường kinh doanh.

Trong một động thái liên quan, Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) vừa chính thức công bố các kết quả kinh tế của đất nước “Vạn Đảo” năm 2013, theo đó tăng trưởng đạt 5,78%; tỷ lệ lạm phát 8,38%; số người nghèo giảm xuống 11,7%; tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm còn 6,25%; GDP bình quân đầu người theo tỷ giá hối đoái hiện hành đạt 36,5 triệu rupiah (3.499,9 USD), tăng 8,88% từ mức 33,5 triệu rupiah năm 2012.

Đóng góp chủ yếu vào GDP của đất nước vẫn là các các đảo Java (57,99%), Sumatra (23,81%), tiếp theo là Kalimantan (8,67%), Sulawesi (4,82%), Bali và Nusa Tenggara (2,53%), Maluku và Papua (2,18%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục