Indonesia sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý, đánh bắt thủy sản

Công nghệ truyền thông vệ tinh đang hỗ trợ tích cực cộng đồng ngư dân Indonesia; cứu sống người gặp nạn, liên kết các gia đình ven biển với người thân trên biển và nâng cao hiệu quả cùng sự bền vững.
Indonesia sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý, đánh bắt thủy sản ảnh 1Ngư dân Indonesia đánh bắt cá tại vùng biển Surabaya, tỉnh Tây Java. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Indonesia sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý, đánh bắt thủy sản bền vững.”

Nội dung bài viết như sau:

Indonesia là nhà sản xuất thủy sản lớn thứ hai thế giới. Đây là một trong những ngành đóng góp chính cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Đất nước Vạn đảo.

Năm 2018, ngành này đã đóng góp hơn 26,9 tỷ USD vào GDP của Indonesia.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang có xu hướng sụt giảm bất thường và đáng báo động về nguồn cá cũng như các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học do việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát, khiến sinh kế của cộng đồng ngư dân bị đe dọa. Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ và duy trì ngành thủy sản.

[Những kẻ bắt cóc ngư dân Indonesia đòi 1 triệu USD tiền chuộc]

Indonesia với đường bờ biển dài và hơn 17.000 hòn đảo, thật khó khăn và tốn kém để giám sát các chuyển động của tàu trong vùng biển của nước này. Trên hết, kết nối tàu cũng là một vấn đề lớn, theo đó ngư dân không có kết nối ngoài biển. Họ không thể gọi trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, gây đe dọa đến tính mạng và tài sản. Chưa kể, họ không thể liên lạc với gia đình trong nhiều ngày, khiến công việc trở nên khó khăn hơn.

Tất cả những vấn đề đang đe dọa đến nghề cá ở Indonesia sẽ được giải quyết bằng cách tạo ra các dự án hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp nhằm mục đích tạo ra một ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản kết nối, an toàn và bền vững.

Bộ Biển và Nghề cá Indonesia gần đây đã ký kết một dự án đổi mới nghề cá với thời hạn 3 năm để hỗ trợ cộng đồng ngư dân Indonesia. Dự án này là một quan hệ đối tác công tư, bao gồm công ty truyền thông vệ tinh di động toàn cầu Inmarsat và Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh.

Với sự hợp tác này, công nghệ truyền thông vệ tinh đang hỗ trợ tích cực cộng đồng ngư dân Indonesia; cứu sống những người gặp nạn, liên kết các gia đình ven biển với người thân trên biển và nâng cao hiệu quả cùng sự bền vững.

Những lợi ích của công nghệ vệ tinh là sâu rộng. Bất kể kích cỡ của tàu cá, kết nối tàu là rất quan trọng đối với ngư dân. Sử dụng công nghệ vệ tinh trên các tàu nhỏ, dự án phục vụ cứu sống những người gặp nạn, liên kết các gia đình ven biển với người thân trên biển và nâng cao hiệu quả và tính bền vững thông qua Hệ thống giám sát tàu chuyên dụng (VMS).

Indonesia sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý, đánh bắt thủy sản ảnh 2Ngư dân Indonesia đánh bắt cá tại vùng biển trên đảo Bali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hệ thống VMS vệ tinh được thử nghiệm đã được mở rộng với nhiều ứng dụng mới như giám sát và được gọi là VMS +.

Dự án là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm kiểm soát hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) cũng như các biện pháp cứng rắn để bảo vệ nghề cá của mình. Các chính sách này đang tỏ ra hiệu quả.

Kể từ năm 2014, hơn 300 tàu nước ngoài và trong nước bị phát hiện vi phạm lệnh cấm cá của Indonesia. Đây là một vấn đề mà công nghệ có thể giúp các cơ quan chức năng của Indonesia phát hiện và kiểm soát được tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này.

Truyền thông vệ tinh và VMS + có thể giúp phát hiện việc đánh bắt cá trái phép thông qua giám sát, kiểm soát và giám sát mục tiêu. Lần đầu tiên ở Indonesia, các tàu nhỏ có thể truyền dữ liệu về vị trí, tốc độ và theo dõi bằng công nghệ VMS +.

Ngoài ra, công nghệ này đảm bảo tàu thuyền ở trong vùng nước được cấp phép và chỉ được đánh bắt cá ở những khu vực thích hợp, thiết bị sẽ báo động nêu các tàu đánh bắt đi lạc vào khu vực cấm.

Hơn nữa, thông tin vệ tinh và VMS + cũng giúp cứu sống ngư dân trên biển, đó là lợi ích quan trọng nhất. Phương tiên này đã hỗ trợ tích cực và tăng sự an toàn cho ngư dân trên biển bằng cách truyền đạt hiệu quả các trường hợp khẩn cấp quan trọng và không nghiêm trọng. Trong trường hợp khẩn cấp như hỏng thiết bị, ngư dân có thể gọi trợ giúp qua SMS cho điều phối viên tàu hoặc các nhóm tàu đánh cá khác đang hoạt động gần đó.

Trong một số trường hợp, sửa chữa tàu bị hỏng có thể được thực hiện ngay trên biển, giúp ngư dân có thể tiếp tục việc đánh bắt cá. Công nghệ này cũng thông báo cho các tàu về thời tiết xấu hoặc điều kiện biển động để ngư dân có thể tìm nơi trú ẩn để tránh thiệt hại tính mạng con người và phương tiện. Ước tính khoảng 40 ngư dân đã được cứu từ khi dự án được triển khai.

Việc giúp, hỗ trợ cộng đồng ngư dân cũng chính là mục tiêu của Chính phủ Indonesia, các nhà công nghệ, chuyên gia về quản lý nghề cá, Inmarsat và các đối tác nhằm hiện đại hóa và chuyển đổi quản lý nghề cá ở Indonesia.

Việc triển khai dự án này mang lại tiềm năng cho nguồn cá bền vững hơn, điều kiện đánh bắt cá an toàn và tốt hơn cho cộng đồng ngư dân và cải thiện tăng trưởng kinh tế cho các doanh nghiệp thủy sản Indonesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục