Ngày 4/12, núi lửa Semeru ở Indonesia đã phun trào trở lại, gây ra một cột khói bụi cao bao phủ bầu trời khu vực xung quanh khiến giới chức địa phương phải yêu cầu hàng nghìn người dân sơ tán khẩn cấp.
Cơ quan Khắc phục thảm họa Indonesia cho biết chưa nhận được báo cáo về thương vong trong vụ núi lửa phun trào này.
Tuy nhiên, các đội cứu hộ đã được huy động để hỗ trợ sơ tán người dân địa phương khi dung nham bắt đầu chảy xuống các làng mạc lân cận và phá hủy một cây cầu ở Lumajang, tỉnh Đông Java.
Người phát ngôn cơ quan trên, ông Abdul Muhari, cho biết khói bụi từ núi lửa đã bao phủ và làm giảm tầm nhìn tại nhiều khu vực. Cơ quan này đã thiết lập các điểm tạm trú ở một số địa điểm tại Lumajang.
[Indonesia: Núi lửa Merapi phun tro bụi bay xa tới 3,5km]
Trong một video được cơ quan trên công bố, người dân địa phương, trong đó có nhiều trẻ em, đã được đưa đi sơ tán khi núi lửa Semeru phun trào. Giới chức khu vực đã thiết lập vùng cấm ở khu vực cách 5km xung quanh miệng núi lửa sau vụ phun trào.
Kể từ lần phun trào gần nhất vào tháng 12/2020, giới chức duy trì cảnh báo ở mức 2 với núi lửa Semeru và đưa hàng nghìn người đi sơ tán.
Indonesia nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương nên ghi nhận nhiều hoạt động địa chất và các vụ núi lửa phun trào. Hiện quốc gia này có 130 núi lửa còn hoạt động.
Cuối năm 2018, một núi lửa nằm giữa hai đảo Java và Sumatra phun trào, dẫn đến tình trạng sụt lún đáy biển và gây sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng./.