Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Gusti Muhammad Hatta cho biết chính phủ nước này có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất 30 MW.
Tuy chưa xác định địa điểm cụ thể đặt nhà máy, song Bangka Belitung là một trong những lựa chọn hàng đầu, bởi tỉnh này có mỏ urani trữ lượng lớn nhất đất nước.
Bộ trưởng Gusti Muhammad Hatta nói rằng Indonesia mới chỉ có một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, được lắp đặt tại Serpong cách đây 30 năm, hiện đang hoạt động, phục vụ chủ yếu cho công tác nghiên cứu.
Hiện đã đến lúc Indonesia cần xây dựng một lò phản ứng ở quy mô có thể sản xuất được điện, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng của nền kinh tế đất nước đang tăng trưởng nhanh trong bối cảnh các nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch cạn dần, vừa chứng chứng minh với thế giới rằng Indonesia có khả năng hạt nhân.
Cuộc khảo sát do một tổ chức độc lập tiến hành mới đây về chương trình phát triển điện hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Indonesia cho thấy 76,5% số người được hỏi ý kiến đã ủng hộ chương trình này cũng như việc phát triển hạt nhân vì mục đích khoa học và công nghệ. 60,4% cũng đã ủng hộ việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trong một cuộc khảo sát khác hồi đầu năm 2013.
Trong một động thái liên quan khác, Tổng vụ trưởng điện năng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, Jarman cho biết chính phủ nước này dự định nâng công suất phát điện thêm 5.000 MW/năm trong giai đoạn 2014-2020 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sau khi đạt mức tăng 4000-5000 MW/năm trong gia đoạn 2011-2013.
Còn Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Susilo Siswoutomo nói rằng đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện là một trong những thách thức hàng đầu của chính phủ nước này, bởi mặc dù tổng công suất lắp đặt tính đến cuối tháng 9/2013 đạt 46.420 MW và cùng kỳ tỷ lệ điện khí hóa đã tăng 13% lên 80,1% so với năm 2011, song con số này của Indonesia vẫn thấp so với các nước láng giềng trong ASEAN.
Ông Susilo Siswoutomo cho biết, để góp phần cải thiện tình trạng trên, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ và Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Indonesia (NREL) sẽ khởi động một chương trình phát triển năng lượng bền vững, trị giá 1,2 triệu USD nhằm phân tích kỹ thuật và kinh tế về các giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả, chi phí thấp cho các khu vực xa xôi của Indonesia hiện đang phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Dự án này sẽ được thực hiện trong 2-3 năm tới tại bốn tỉnh Trung và Nam Kalimantan, Đông Nusa Tenggara và Bangka Belitung./.