Indonesia: Phóng thành công vệ tinh đa chức năng mạnh nhất châu Á

SATRIA-1 sẽ được giám sát để đảm bảo tất cả các thiết bị có thể hoạt động bình thường và sẽ di chuyển đến đúng quỹ đạo vào tháng 11/2023 trước khi vệ tinh sẵn sàng hoạt động vào tháng 1/2024.
Indonesia: Phóng thành công vệ tinh đa chức năng mạnh nhất châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: SpaceX)

Sáng 19/6, SATRIA-1 - vệ tinh đa chức năng mạnh nhất châu Á với công suất 150 Gbp thuộc sở hữu của Chính phủ Indonesia, đã được phóng thành công lên không gian.

Phát biểu sau khi chứng kiến vụ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Mỹ, quyền Cục trưởng Cục Tiếp cận thông tin và viễn thông (BAKTI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia (Kominfo) Arief Tri Hardiyanto nhấn mạnh: “Đây là thành tựu to lớn và là thành công cho tất cả người dân Indonesia."

Ông Hardiyanto cho biết SATRIA-1 sẽ được Thales Alenia Space tiếp tục giám sát để đảm bảo tất cả các thiết bị có thể hoạt động bình thường. Vệ tinh này sẽ di chuyển đến đúng quỹ đạo vào tháng 11/2023 trước khi vệ tinh sẵn sàng hoạt động vào tháng 1/2024.

SATRIA-1 đã được phóng bằng tên lửa Falcon 9 thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian (SpaceX). Chính phủ Indonesia hy vọng rằng việc đưa vào sử dụng vệ tinh này có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia.

[Vệ tinh mạnh nhất châu Á dự kiến được phóng lên quỹ đạo vào 19/6]

Hôm 13/6, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Mahfud MD cho biết việc phóng vệ tinh SATRIA-1 nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng và nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm bằng cách cung cấp truy cập Internet ở mọi khu vực của nước này.

SATRIA-1 sẽ cung cấp các dịch vụ miễn phí và bổ sung cho cơ sở hạ tầng viễn thông hiện có bằng cách cung cấp kết nối trực tiếp tới các thiết bị Internet đầu cuối mà không cần các trạm thu phát sóng cơ sở (BTS), giúp bao phủ các khu vực điểm mù vốn không được kết nối bởi các công nghệ khác.

Với 11 trạm mặt đất, SATRIA-1 chủ yếu cung cấp truy cập Internet để phục vụ các dịch vụ công, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các chính quyền địa phương, quân đội và cảnh sát ở các vùng sâu, vùng xa.

Dù thời hạn phục vụ ban đầu được ấn định là 15 năm, song vệ tinh này có khả năng kéo dài thời hạn hoạt động thêm 5 năm. Tổng chi phí của dự án SATRIA-1 lên tới 540 triệu USD, cao hơn 90 triệu USD so với ước tính ban đầu và được tài trợ thông qua quan hệ đối tác công tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục