Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, kiều hối là một trong những nguồn thu đáng kể của Indonesia khi nước này hiện có hàng triệu lao động ở nước ngoài.
Mặc dù số lượng người lao động Indonesia ở nước ngoài trong vòng ba năm trở lại đây không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ, do các thị trường quan trọng ở Trung Đông bị thu hẹp vì những bất đồng liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động Indonesia ở nước ngoài và tình hình bất ổn chính trị-xã hội ở khu vực này, song năm 2013 Indonesia vẫn nhận được một lượng kiều hối đáng kể.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ người lao động Indonesia ở nước ngoài (BNP2TKI), Agustin Subiantoro cho biết năm 2013 Indonesia nhận được trên 10 tỷ USD kiều hối từ khoảng 4 triệu người lao động Indonesia ở các nước châu Á và châu Âu, trong đó nhiều nhất tại Malaysia và Trung Đông.
Nguồn tiền lớn này đã giúp nhà nước trong việc cải thiện phúc lợi của người dân trong nước thông qua đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án có lợi khác.
Bà Agustin Subiantoro nói rằng BNP2TKI luôn sẵn sàng cung cấp những thông tin chính xác cho người dân có ý định làm việc ở nước ngoài, hướng dẫn cũng như đào tạo kỹ năng cần thiết, chịu trách nhiệm và bảo vệ người lao động xuất khẩu kể từ khi đưa họ ra nước ngoài cho đến khi hết thời hạn hợp đồng lao động về nước.
Trong một động thái liên quan, Chủ nhiệm BNP2TKI Moh Jumhur Hidayat cho biết hiện Chính phủ Indonesia chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm đưa người lao động xuất khẩu tới Saudi Arabia, do hai bên chưa đạt được nhất trí về một số vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động sau khi xảy ra tình trạng bạo lực xâm phạm thân thể và quyền lợi của người lao động xuất khẩu Indonesia tại đây.
Theo ông Moh Jumhur Hidayat, hiện chính phủ hai nước đang thương thảo việc ký kết một Bản ghi nhớ (MOU) về bảo vệ quyền của lao động Indonesia tại Saudi Arabia và lệnh cấm trên chỉ được dỡ bỏ sau khi bản ghi nhớ này được ký kết./.