Do lo ngại núi lửa Agung có thể phun trào lớn, ngày 27/11, chính quyền hòn đảo du lịch Bali của Indonesia đã nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu người dân sinh sống trong phạm vi bán kính từ 8-10 km phải sơ tán ngay lập tức.
Theo chuyên gia núi lửa cao cấp của Indonesia Gede Suantika, chính quyền đã phải nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất do các dư chấn liên tục xảy ra tại khu vực này. Tiếng núi lửa phun trào tro bụi có thể nghe cách đó 12 km. Người dân cũng có thể nhìn rõ lửa trên đỉnh Agung vào buổi tối.
Theo Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia, sân bay quốc tế Bali đã phải đóng cửa trong vòng 24 giờ và chính quyền sẽ cân nhắc mở cửa trở lại sân bay này trong ngày 28/11 sau khi đánh giá lại tình hình. Các nhân viên sân bay Bali cũng đã chuyển hướng 7 chuyến bay, 5 chuyến từ Trung Quốc.
Hiện hàng nghìn du khách vẫn đang bị mắc kẹt tại hòn đảo này, sau khi nhiều chuyến bay bị hủy bỏ do núi lửa Agung "thức giấc." Trong những ngày qua, núi lửa Agung đã nhả cột khói bụi cao hàng nghìn mét lên không trung. Sáng sớm 27/11, núi lửa này vẫn phun cột tro bụi cao tới 3.400m. Trước đó 1 ngày, sân bay quốc tế nhỏ hơn ở hòn đảo Lombok lân cận phải đóng cửa do hoạt động của núi lửa Agung.
Tính từ khi núi lửa Agung bắt đầu "thức giấc" hôm 21/11, khoảng 25.000 người sinh sống gần núi lửa đã phải đi sơ tán. Australia cũng ra khuyến cáo du lịch với công dân nước này, theo đó cần tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại.
Núi lửa Agung từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương. Núi lửa này đã có dấu hiệu phun trào trở lại vào tháng 9 khiến nhà chức trách phải đưa ra mức cảnh báo cao nhất và sơ tán 140.000 người dân sinh sống trong khu vực núi Agung, song sau đó lệnh cảnh báo đã được gỡ bỏ và người dân trở được về nhà ở. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn khoảng 30.000 người trong số đó đã đổi chỗ ở.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất tiếp xúc kéo theo nhiều hoạt động địa chấn tại đây. Tại quốc đảo này vẫn có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2010, núi lửa Merapi thuộc đảo Java, được xem là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động nguy hiểm nhất thế giới, phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và khiến 280.000 người sơ tán./.