Indonesia mong muốn Trung Quốc tăng cường chuyển giao công nghệ

Ngành công nghiệp hạ nguồn nickel của Indonesia phát triển nhờ sự chuyển giao công nghệ của Trung Quốc và Jakarta mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh trong phát triển công nghiệp hạ nguồn.
Ngành công nghiệp hạ nguồn nickel của Indonesia đạt giá trị xuất khẩu 34 tỷ USD. (Nguồn: AFP)

Ngày 29/5, một quan chức cấp cao Indonesia cho biết chuyển giao công nghệ là một trong những lý do khiến nước này mong muốn hợp tác với Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn.

Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế và Thương mại Tứ Xuyên-Indonesia ở Jakarta, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan chia sẻ, nhờ việc Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ, ngành công nghiệp hạ nguồn nickel của Indonesia sẽ không thể đạt giá trị xuất khẩu 34 tỷ USD.

Ông Luhut nhấn mạnh Indonesia không có nợ quốc gia với Trung Quốc mà tất cả đều các khoản nợ là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Ông cũng cho biết Indonesia đang nỗ lực chuyển từ quặng nickel sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như nickel sulfat, cực âm, thậm chí là pin tái chế.

Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel chưa qua chế biến kể từ tháng 1/2020.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu sản phẩm của ngành công nghiệp nickel hạ nguồn đạt 34 tỷ USD, trong đó 14,3 tỷ USD là sắt và thép.

[Thủ tướng Malaysia nhận được cam kết đầu tư kỷ lục từ Trung Quốc]

Trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp nickel hạ nguồn của Indonesia ước đạt 8 tỷ USD.

Bộ Thương mại Indonesia cho biết, tổng kim ngạch trao đổi thương mại Indonesia-Trung Quốc năm 2022 lên tới 133,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc là 65,9 tỷ USD.

Theo ước tính của ông Luhut, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia, chiếm 22,3%, tiếp đó là Mỹ (9,8%) và Nhật Bản (8,4%).

Trong giai đoạn 2014-2022, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đạt 30,8 tỷ USD với 15.906 dự án, đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào ngành công nghiệp kim loại (không phải máy móc) và điện tử, với tổng trị giá 12,04 tỷ USD, tiếp đó là vận tải, lưu trữ và thông tin liên lạc (6,97 tỷ USD).

Hồi tuần trước, Indonesia đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) với hãng xe điện (EV) BYD của Trung Quốc tại Thâm Quyến. Thỏa thuận này nhằm mục đích thăm dò khả năng đầu tư vào ngành công nghiệp EV của Indonesia.

Trong một thông cáo báo chí về việc ký kết MoU này, ông Luhut khẳng định Indonesia mong muốn phát triển hệ sinh thái EV để đưa Indonesia trở thành thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á.

Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và sự hỗ trợ của chính phủ, ông tin rằng Indonesia có nhiều lợi thế để phát triển EV trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục