Indonesia lo ngại các tay súng IS đang tràn sang Đông Nam Á

Lực lượng chức năng Indonesia phát hiện nhiều công dân bất ngờ nhập cảnh trở lại từ Trung Đông và mang theo những mầm mống của khủng bố.
Cảnh sát Indonesia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thông tin về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị thất bại ở Trung Đông không thể xua tan hay xoa dịu nỗi lo về những nguy cơ khủng bố trên thế giới. Như là một loại ung nhọt, tổ chức này có thể nổi lên ở những địa bàn khác.

Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi những diến biến này khi gần đây, tại khu vực liên tục xảy ra những vụ khủng bố bất chấp sự phòng bị của các chính phủ.

Trên thực tế, ngoài Trung Đông, một số cơ sở của IS được cho là nằm rải rác khắp khu vực châu Á. Khu vực IS trú ngụ chủ yếu là những nơi nghèo nàn, với những người Hồi giáo địa phương sùng đạo.

Là quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia trở thành một địa bàn lớn mà IS nhắm tới. Xu hướng này trở nên rõ rệt kể từ khi Jakarta phát hiện nhiều công dân bất ngờ nhập cảnh trở lại từ Trung Đông và mang theo những mầm mống của khủng bố.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Hasan Arsad - người dân Indonesiacho biết: "IS đã thất thủ ở Iraq nhưng chúng có thể chuyển sang Indonesia, Singapore hay bất cứ nước nào khác. Tuy nhiên, người dân Indonesia chúng tôi mạnh mẽ trong tinh thần, mạnh mẽ với niềm tin tôn giáo của mình. Người Hồi giáo ở Indonesia luôn là người tốt và có tinh thần đoàn kết với tất cả các tôn giáo khác. Chúng ta không cần phải sợ hãi IS."

Ngay từ cuối năm 2014, lệnh cấm IS được ban hành sau khi xuất hiện xu hướng người Indonesia bị lôi kéo gia nhập IS.

[Chuyên gia Indonesia: Đông Nam Á không thể lơ là với nguy cơ khủng bố]

Với hơn 30 nhóm khủng bố và cực đoan cùng các phong trào nổi dậy trong hơn 3 thập kỷ qua ở Indonesia, những nguy cơ IS gieo rắc tư tưởng cực đoan ngày càng trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến môi trường an ninh của Indonesia.

Sau vụ đánh bom kép tại bến xe buýt hôm 24/5 ở Kampung Melayu, Tổng thống Joko Widodo đã thúc đẩy việc hoàn thành Luật chống khủng bố để tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật trừng trị thẳng tay các đối tượng khủng bố. Đây được coi là một nỗ lực của Indonesia trong cuộc chiến không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố.

Khủng bố trở thành thách thức chung cho cả khu vực Đông Nam Á. Có thể thấy, thời điểm xảy ra các vụ đánh bom ở Jakarta và cuộc chiến ở đảo Mindanao của Philippines gần như trùng hợp. Chuỗi sự việc đã cảnh báo rằng các tay súng IS đã nhắm đến việc tạo dựng các cơ sở mới và cài cắm các phần tử cực đoan trong khu vực.

Trả lời phóng viên TTXVN, tiến sỹ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) có trụ sở tại Jakarta cho biết nạn khủng bố đã trở thành vấn đề mang tầm khu vực ở Đông Nam Á. Do đó, các quốc gia ASEAN cần hợp tác chặt chẽ với nhau để đấu tranh, ngăn chặn khủng bố, không để chúng lan rộng trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục