Indonesia lên án chủ tàu Trung Quốc đối xử ''vô nhân đạo'' với ngư dân

Ngoại trưởng Indonesia cho biết một số ngư dân nước này đã không được trả lương và số khác đã không nhận được đủ số tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng khi làm việc trên tàu cá Trung Quốc.
Ngư dân Indonesia cho biết họ phải làm việc trung bình hơn 18 giờ mỗi ngày trên tàu cá Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 10/5 cho rằng cách thức đối xử của chủ tàu cá Trung Quốc đối với khoảng 50 ngư dân nước này là hành vi “vi phạm nhân quyền."

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Retno đã lên án cách thức đối xử “vô nhân đạo” với các ngư dân Indonesia trong quá trình làm việc trên tàu cá Trung Quốc.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho biết chính phủ Trung Quốc “đặc biệt lưu tâm” đến vụ việc này và hiện đang điều tra chủ tàu cá.

Phía Indonesia sẽ hợp tác với chính quyền Trung Quốc nhằm xử lý vụ việc và yêu cầu chủ tàu cá đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các ngư dân Indonesia.

Theo bà Retno, dựa theo thông tin do các ngư dân cung cấp, chủ sở hữu tàu cá Trung Quốc đã “vi phạm nhân quyền."

[Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc về cái chết của 4 thuyền viên]

Hầu hết các ngư dân nói trên đã được hồi hương và thuật lại cho Bộ Ngoại giao Indonesia những điều mà họ đã phải trải qua khi làm việc trên 4 tàu cá Long Xin 629, Long Xin 605, Tian Yu 8 và Long Xin 606 của Trung Quốc.

Theo Ngoại trưởng Retno, một số ngư dân đã không được trả lương và số khác đã không nhận được đủ số tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng. Thời gian làm việc cũng “vô nhân đạo” khi phải làm việc trung bình hơn 18 giờ mỗi ngày.

Theo bà Retno, Chính phủ Trung Quốc hiện đang điều tra các tàu cá nói trên.

Hôm 5/5, một ngư dân Indonesia giấu tên tiết lộ với truyền thông Hàn Quốc rằng họ được chủ tàu cá trả lương rất thấp, khoảng dưới 300 USD mỗi năm thay vì 300 USD mỗi tháng theo hợp đồng đã ký kết.

Thậm chí, chủ tàu cá Trung Quốc chỉ trả 120 USD cho một số ngư dân sau 13 tháng làm việc trên tàu.

Các ngư dân Indonesia, trong đó hầu hết hầu hết là thanh thiếu niên, bị buộc phải làm việc liên tục trong suốt 30 giờ và chỉ được nghỉ 6 giờ để ăn và ngủ.

Trước đó, hôm 7/5, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta nhằm làm rõ cái chết của 4 thuyền viên Indonesia trên 2 con tàu treo cờ Trung Quốc, sau khi các nhóm nhân quyền cho rằng thủy thủ đoàn đã bị ngược đãi và bóc lột.

Động thái trên được đưa ra sau khi một video lan truyền trên mạng xã hội, trong đó dường như cho thấy một lễ an táng ngoài biển trên một tàu treo cờ Trung Quốc.

Đoạn video cho thấy một nhóm nam giới đang cầu nguyện bên một túi màu cam đựng thi thể trước khi túi này được thả xuống biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục