Indonesia kỳ vọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng

Để hỗ trợ mục tiêu thu hút đầu tư, Chính phủ Indonesia đã thực hiện một số biện pháp như loại bỏ các quy định và giấy phép cản trở đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan...
Tổng thống Joko Widodo dự lễ khai trương trang trại điện gió tại Nam Sulawesi. (Ảnh: Jakarta Post)

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan kỳ vọng rằng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (ngoại trừ dầu khí) tại nước này sẽ đạt 63,6 tỷ USD vào năm 2024.

Phát biểu tại cuộc họp điều phối quốc gia tại thành phố Bogor (tỉnh Tây Java), Bộ trưởng Pandjaitan đã liệt kê 14 dự án đầu tư “khủng” tại Indonesia.

Các dự án đáng chú ý bao gồm khu công nghiệp chế biến niken trị giá 20 tỷ USD tại Morowali và Vịnh Weda, các khu công nghiệp chế biến tài nguyên thiên nhiên trị giá 20 tỷ USD tại tỉnh Bắc Kalimantan, Nhà máy chế biến niken trị giá 1,2 tỷ USD Persada Lygend HPAL, Nhà máy chế biến đồng trị giá 3 tỷ USD của công ty PT Freeport Indonesia...

Một số điểm đáng chú ý khác bao gồm dự án sản xuất xe điện trị giá 1 tỷ USD của hãng Hyundai, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung trị giá 6 tỷ USD, Dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao (LRT) trị giá 2,2 tỷ USD tại Jakarta, Dự án phát triển cảng trị giá 2,5 tỷ USD của công ty Kuala Tanjung...

[Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở Đông Nam Á]

Cũng theo Bộ trưởng Pandjaitan, để hỗ trợ mục tiêu thu hút đầu tư, Chính phủ Indonesia đã thực hiện một số biện pháp về mặt chính sách, bao gồm loại bỏ các quy định và giấy phép cản trở đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư và quá trình ra quyết định chiến lược.

Bộ trưởng Pandjaitan cũng cho biết, mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, bao gồm khai thác than, khoáng sản, điện, năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt, sẽ tăng 39,2% trong năm nay lên 37,2 tỷ USD, so với mức 26,7 tỷ USD của năm 2018.

Năm 2019, đầu tư vào lĩnh vực than và khoáng sản dự kiến đạt 6,2 tỷ USD so với mức 6,1 tỷ USD vào năm ngoái. Đầu tư vào ngành điện dự kiến đạt 12,2 tỷ USD so với mức 9,1 tỷ USD của năm 2018 . Đầu tư vào lĩnh vực dầu khí sẽ tăng từ mức 10,2 tỷ USD của năm ngoái lên 6,8 tỷ USD, trong khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 1,3 tỷ lên 2 tỷ USD.

Theo ông Pandjaitan, đầu tư vào lĩnh vực than và khoáng sản hiện chiếm tới 17% tổng mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Phần lớn dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực dầu khí thượng nguồn (9,33 tỷ USD) và hạ nguồn (0,85 tỷ USD).

Bộ trưởng Pandjaitan cũng khẳng định khai thác than vẫn là ngành quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành năng lượng quốc gia đến năm 2050. Theo đó, Indonesia dự kiến tăng nguồn cung than cho thị trường nội địa, song không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục