Indonesia kỳ vọng RCEP giúp phát triển công nghiệp giá trị gia tăng

Giám đốc Trung tâm chính sách Indonesia Donna Gultom nhận định việc gia nhập RCEP sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho Indonesia trong việc kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Indonesia kỳ vọng RCEP giúp phát triển công nghiệp giá trị gia tăng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: railwaytech-indonesia.com)

Indonesia có cơ hội phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng bằng cách tận dụng các chuỗi giá trị khu vực trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 9/11, Giám đốc Trung tâm chính sách Indonesia Donna Gultom nhận định việc gia nhập RCEP sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho Indonesia trong việc kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên cơ sở đó, chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất được thiết kế để tận dụng lợi thế của hiệp định RCEP.

[Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022]

Mặc dù RCEP mang lại các cơ hội để cải thiện phúc lợi, song hiệp định này cũng có nguy cơ làm tăng thâm hụt cán cân thương mại của Indonesia với các nước thành viên RCEP khác.

Bà Donna cho biết theo một nghiên cứu của Bộ Thương mại Indonesia, việc nước này tham gia hiệp định RCEP có thể làm tăng thâm hụt thương mại lên 491,46 triệu USD, mặc dù có thể tăng phúc lợi thêm 1,52 tỷ USD.

Do đó, Indonesia cần chuẩn bị một chiến lược, trong đó điều chỉnh cơ cấu chính sách khuyến khích sự phát triển của ngành sản xuất để ngành này không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa mà còn cả thị trường các nước thành viên RCEP cũng như không thuộc RCEP.

Bà Donna cho rằng tác động của RCEP đối với tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể không đáng kể, chỉ ở mức 0,05%, nếu nước này không thực hiện các điều chỉnh về cơ cấu hoặc chính sách thông qua các kế hoạch hành động cụ thể để tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu không có RCEP, Indonesia sẽ thực sự tụt hậu so với các nước thành viên khác trong hiệp định này và tăng trưởng kinh tế có thể ở mức âm 0,07%.

Có ý kiến lo ngại rằng RCEP sẽ khiến giá trị nhập khẩu tăng, đe dọa ngành sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, song nếu Indonesia điều chỉnh nhập khẩu, tận dụng các mặt hàng này làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất và tạo ra thành phẩm để xuất khẩu, thì cán cân thương mại của nước này sẽ không bị thâm hụt.

Trong trường hợp này, thông qua việc nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp, RCEP sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục