Ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan đã chính thức ký kết Hiệp định càphê Quốc tế (ICA) năm 2022 tại Ban thư ký Tổ chức càphê Quốc tế (ICO) ở London, Anh.
Việc ký kết thỏa thuận được kỳ vọng giúp quốc gia Đông Nam Á này gia tăng xuất khẩu và ổn định giá càphê, từ đó cải thiện phúc lợi cho nông dân.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Zulkifli đánh giá việc ký kết ICA là cột mốc quan trọng đưa Indonesia gia nhập ICO và là bước tiến quan trọng nâng vị thế tương lai của càphê Indonesia trên thị trường quốc tế.
ICA là hiệp định đa phương giữa các chính phủ đại diện cho các nước sản xuất càphê và người tiêu dùng càphê. ICA 2022 là hiệp định thứ bảy kể từ năm 1962, sau khi ICA đặt ra hạn ngạch xuất khẩu càphê nhằm bình ổn giá cả mặt hàng này.
[Indonesia: Du lịch càphê có nhiều tiềm năng để phát triển]
Indonesia là nước thứ 10 trong tổng số 49 quốc gia thành viên ICO ký kết ICA 2022.
Trước đó, 8 nước xuất khẩu càphê gồm Brazil, Costa Rica, Nicaragua, Peru, Togo, Venezuela, Panama và Colombia và 1 nước nhập khẩu (Nhật Bản) đã ký kết hiệp định này.
Các nước thành viên còn lại dự kiến sẽ ký ICA 2022 trước hạn chót vào tháng 4/2023.
Bộ trưởng Zulkifli khẳng định rằng ICA 2022 là công cụ hiệu quả để phát triển ngành càphê toàn cầu bằng cách hiện đại hóa và tăng cường chức năng của ICO trong việc khuyến khích hình thành ngành càphê bền vững, bao trùm và có khả năng ứng phó.
Thỏa thuận này có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, nhất là các hộ sản xuất nhỏ.
Ông Zulkifli nhấn mạnh: “ICA 2022 là cột mốc quan trọng trong việc hình thành tầm nhìn và sứ mệnh chung, liên quan đến cách thức tốt nhất để thực hiện và thúc đẩy các hoạt động của chính phủ và khu vực tư nhân thông qua việc thành lập Hội đồng thành viên liên kết (BAM).”
Về phần mình, Tổng cục trưởng Đàm phán thương mại quốc tế Djatmiko Bris Witjaksono khẳng định rằng sự tham gia tích cực của Indonesia vào các cuộc đàm phán ICA 2022 đã đóng góp cho ngành càphê thế giới.
Indonesia đã đấu tranh thành công để bổ sung càphê trộn sẵn vào định nghĩa càphê trong ICA 2022.
Thành tựu quan trọng khác là nhấn mạnh tính chất bền vững của ngành càphê trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường, vì sự phát triển bền vững của ngành càphê trong nước cũng như của thế giới.
Theo ông Djatmiko, sau khi ký kết, quy trình tiếp theo là phê chuẩn ICA 2022 ở trong nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi 2/3 quốc gia thành viên xuất khẩu và nhập khẩu nộp văn kiện phê chuẩn.
ICO là tổ chức càphê quốc tế được thành lập vào năm 1963 với mục đích thúc đẩy ngành càphê toàn cầu.
Tính đến ngày 2/2/2022, ICO quy tụ 49 quốc gia - trong đó có 42 quốc gia xuất khẩu và 7 quốc gia nhập khẩu - chiếm 93% sản lượng càphê và 63% tiêu thụ càphê thế giới./.