Indonesia khép lại những bất đồng chính trị để đón lễ Idul Fitri 1440

Lễ Idul Fitri 1440 hay còn gọi là Lebaran của người Hồi giáo Indonesia năm nay bắt đầu từ đêm 4/6 đến đêm 5/6.
Chợ thực phẩm trước ngày lễ Lebaran đầy ắp hàng hóa. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Chợ thực phẩm trước ngày lễ Lebaran đầy ắp hàng hóa. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Lễ Idul Fitri 1440 hay còn gọi là Lebaran của người Hồi giáo Indonesia năm nay bắt đầu từ đêm 4/6 đến đêm 5/6.

Việc xác định ngày lễ được thực hiện bởi Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG).

Các nhà quan sát dựa trên các số liệu và hình ảnh về sự chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất và những biến đổi của riêng Mặt Trăng được quan trắc tại 26 địa điểm trên cả nước.

Tại nhà thờ At Taqwa ở Nam Jakarta, buổi lễ cầu nguyện lúc 12 giờ hôm nay vắng hơn ngày thường rất nhiều vì phần lớn mọi người đã về quê, các công sở lân cận cũng nghỉ làm. Tuy nhiên, buổi lễ vẫn diễn ra rất trang trọng, đây là buổi lễ trưa cuối cùng của tháng Ramadhan và chuẩn bị bước vào ngày lễ Lebaran.

Khuôn viên nhà thờ được dựng thêm mái che trong suốt tháng Ramadhan để đón các tín đồ đến cầu nguyện và “buka puasa” cùng nhau (dùng bữa tối sau một ngày nhịn ăn) thường có khoảng 500-600 người đến đây mỗi buổi lễ.

Ông Abdukhair, người đứng đầu nhà thờ At Atqwa cho biết: “Nhà thờ của chúng tôi hàng năm đều chuẩn bị thật chu đáo cho dịp lễ quan trọng này. 10 ngày trước lễ Idul Fitri 1440, mọi công việc đã được hoàn tất từ việc trang trí lại nhà thờ, chuẩn bị thực phẩm cho các buổi buka puasa.

Nhà thờ của chúng tôi nằm trong khu dẫn cư và có cả một số công sở ở gần đây, những lúc cao điểm có tới 2.500 người có thể cùng cầu nguyện. Trong ngày lễ Lebaran, chúng tôi cùng cầu nguyện và dành cho nhau những lời tốt đẹp cầu mong cho một tương lai hạnh phúc.”

[Indonesia chuẩn bị các phương án giao thông an toàn cho lễ Idul Fitri]

Ngày bắt đầu lễ Lebaran chính là ngày kết thúc việc nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan. Vào sáng sớm của kỳ lễ, những lời cầu nguyện Eid Al-Fitr được các tín đồ Hồi giáo thực hiện tại các nhà thờ. Các cộng đồng cũng có thể tổ chức buổi cầu nguyện quan trọng này trên cánh đồng hoặc thậm chí là ngay trên đường phố.

Trong dịp này, người Hồi giáo cũng thực hiện việc quyên góp, làm từ thiện tại các nhà thờ, gọi là zakat fitrah. Mục đích của zakat fitrah là để chia sẻ và mang lại hạnh phúc cho người nghèo.

Ông Rohmani, phụ trách tiếp nhận những đóng góp của các tín đồ tại nhà thờ At Taqwa cho biết: “Việc đóng góp này là nhằm chia sẻ với những người nghèo trong xã hội. Chúng tôi tiếp nhận tiền mặt hoặc hiện vật. Đất nước chúng tôi đang ngày càng phát triển và truyền thống chia sẻ của người Hồi giáo luôn được gìn giữ, tôn trọng, người dân ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội.”

Đối với người Hồi giáo ở Indonesia, Idul Fitri là dịp lễ lớn nhất trong năm với kỳ nghỉ dài nhất được chính phủ qui định, đây là dịp để các gia đình đoàn tụ, sum họp bên nhau.

Từ khoảng hai tuần trước kỳ lễ, người Hồi giáo ở Indonesia đã bắt đầu bận rộn với việc tổ chức ngày lễ này, trong đó quan trọng nhất là việc trở về nhà, về quê hương.

Mỗi năm, chính phủ Indonesia đều đầu tư sửa chữa những tuyến đường giao thông, đường cao tốc, tổ chức các phương án giao thông để giúp người dân về quê thuận lợi. Nhiều người Hồi giáo cũng thực hiện hành hương trong dịp này để bày tỏ sự sùng kính đối với Thánh Alah.

Bà Nurhayati Malik, sống ở Tangerang lân cận Jakarta cho biết: “Gia đình chúng tôi đã chuẩn bị những món ăn truyền thống cho lễ Lebaran và chúng tôi sẽ sum họp cùng nhau sau một năm làm việc chăm chỉ, tha thứ cho nhau những lỗi lầm và yêu thương nhau hơn.

Indonesia khép lại những bất đồng chính trị để đón lễ Idul Fitri 1440 ảnh 1Món Ketupat (cơm nấu trong lá dừa đan lại) không thể thiếu trong dịp lễ Lebaran ở Indonesia. (Nguồn: celahkotanews)

Có những người họ hàng của chúng tôi ít khi gặp gỡ vì đi làm ăn xa dịp này cũng trở về với gia đình, nên chúng tôi rất vui. Tôi mong cho mọi người dân Indonesia đều được sống trong bình an, hạnh phúc, mong đất nước Indonesia có Tổng thống mới sẽ ngày càng phát triển hơn.”

Trong số các món ăn truyền thống của Indonesia được chuẩn bị cho dịp lễ Lebaran, không thể thiếu món Ketupat (cơm được nấu trong lá dừa đan lại). Trẻ em được cho tiền lẻ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe và sự may mắn.

Gần ngày lễ, các dịch vụ đổi tiền lẻ khá phát triển. Trong ngày lễ Lebaran, mọi người thường đến thăm những người hàng xóm và họ hàng, người thân để giữ mối thân tình, được gọi là "halal bi-halal," cầu xin sự tha thứ và tha thứ cho họ.

Ngày bắt đầu lễ Lebaran chính là ngày kết thúc việc nhịn ăn từ trước khi mặt trời mọc đến sau khi mặt trời lặn trong suốt tháng Ramadan.

Dịp lễ năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống và các nhà lập pháp Indonesia vừa khép lại với một số cuộc biểu tình bạo lực đã xảy ra và kết quả chính thức cuối cùng vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, mọi tranh chấp, bất đồng đều đã được khép lại để các tín đồ Hồi giáo Indonesia cùng nhau đón dịp lễ lớn nhất trong năm với truyền thống chia sẻ và tha thứ, cùng cầu mong một tương lai tốt đẹp cho đất nước và mọi người dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục