Indonesia kêu gọi thúc đẩy hợp tác kinh tế, y tế và duy trì hòa bình

Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Indonesia kêu gọi thúc đẩy hợp tác kinh tế, y tế và duy trì hòa bình ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 22 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tại loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC) diễn ra trong ngày 3/8 theo hình thức trực tuyến, Indonesia đã kêu gọi các nước hợp tác phục hồi kinh tế bền vững, thúc đẩy hợp tác y tế và duy trì hòa bình.

Trong thông cáo ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết tại các hội nghị trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mahendra Siregar đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cho rằng việc hợp tác nhằm nâng cao năng lực của SME và các công ty khởi nghiệp, trao đổi công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần phải được tiếp tục.

Theo Thứ trưởng Mahendra, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện nay, các dịch vụ kỹ thuật số đã được chứng minh là có thể duy trì tính liên tục của các hoạt động kinh tế thông qua thương mại điện tử, trong khi các hoạt động kinh tế thông thường bị đình trệ.

Thứ trưởng Mahendra cũng kêu gọi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhấn mạnh rằng hợp tác tài trợ cho năng lượng tái tạo là vấn đề quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Sự phát triển này cũng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

[Indonesia công bố 3 ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ]

Trong bối cảnh nhiều nước đang đối mặt với đại dịch COVID-19, hợp tác trong việc phát triển, sản xuất, phân phối thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 và các dịch bệnh khác trong tương lai một lần nữa trở thành mối quan tâm.

Indonesia và các nước thành viên ASEAN khác đã đánh giá cao sự đóng góp của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đồng thời bày tỏ hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ được tiếp tục.

Thứ trưởng Mahendra cho rằng nhu cầu vaccine ngừa COVID-19 đang rất cao, trong khi nguồn cung chưa được phân bổ đồng đều. Ngoài ra, vẫn có cái nhìn tiêu cực về một số loại vaccine. Do vậy, các nước cần đảm bảo rằng tất cả các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt đều phải được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Thứ trưởng Mahendra nhấn mạnh rằng thế kỷ hiện nay là Thế kỷ châu Á và hiện châu lục này đang chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới tính theo sức mua tương đương. Ngoài ra, châu Á cũng đang sở hữu khối kinh tế lớn nhất thế giới - cụ thể là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong tương lai, giá trị chiến lược của châu Á sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Cũng tại các hội nghị này, Thứ trưởng Mahendra cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trong khu vực, trong đó có việc tiếp tục tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tiếp tục đối thoại hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục