Indonesia kêu gọi APEC giảm thuế đối với "hàng hóa phát triển"

Tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Philippines từ ngày 18-19/11, Indonesia sẽ vận động và kêu gọi các lãnh đạo APEC áp dụng chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm "hàng hóa phát triển."
Indonesia kêu gọi APEC giảm thuế đối với "hàng hóa phát triển" ảnh 1 Toàn cảnh hội nghị ở Manila, Philippines ngày 16/11 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nguồn tin hãng Antara ngày 17/11 cho biết hiện trong số 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Peru, Papua New Guinea, Việt Nam và Indonesia đã đi tiên phong trong việc tạo thuận lợi cho lưu thông loại “hàng hóa phát triển.” Đây là các sản phẩm góp phần vào việc thúc đẩy phát triển nông thôn và giảm đói nghèo.

Dự kiến, tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Philippines từ ngày 18-19/11, Indonesia sẽ vận động và kêu gọi các lãnh đạo APEC áp dụng chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm "hàng hóa phát triển."

Theo Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong, Indonesia hy vọng khái niệm về hàng hóa phát triển sẽ được các thành viên APEC chấp thuận. Các mặt hàng thuộc loại này sẽ được phân phối theo một “cơ sở đặc biệt” trong hệ thống thương mại quốc tế và được giảm thuế.

Thực tế, việc đàm phán về vấn đề này đã được đưa ra tại cuộc họp các quan chức cấp cao trước Hội nghị cấp cao APEC, nhưng các nước vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất.

Theo Bộ Thương mại Indonesia, ít nhất 157 sản phẩm được phân loại là hàng hóa phát triển. Trong số này, Indonesia có các mặt hàng như dầu cọ, cao su, thủy sản và lâm sản. Đây là những sản phẩm cải thiện môi trường, trong đó chống biến đổi khí hậu. Các sản phẩm liên quan đến nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và liên quan đến xóa đói giảm nghèo.

Mức thuế trung bình đang được áp dụng đối với các sản phẩm thuộc chủng loại hàng hoá phát triển là 13,5%, trong khi mức thuế trung bình chung là 5,8% được áp dụng cho các thành viên APEC.

Nhiều vấn đề cũng dự kiến được thảo luận tại các cuộc họp APEC 2015, bao gồm hệ thống đa phương thương mại, thương mại dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng phục hồi năng lượng và chống tham nhũng.

Ngoài ra còn có một số vấn đề quan trọng khác như thực hiện Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), thực hiện các thỏa thuận giảm thuế đối với hàng hóa môi trường và thống nhất danh mục hàng hóa môi trường của APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục