Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên truy vết COVID-19 tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8 tới.
Ngày 29/7, Trưởng bộ phận truy vết thuộc Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 Koesmedi Priharto cho biết động thái này được thực hiện sau khi có chỉ thị từ chính quyền trung ương.
Theo ông Koesmedi, hiện lực lượng này vẫn đang tiến hành đánh giá các điều kiện ở từng khu vực, đồng thời xây dựng các bước triển khai. Mỗi nhân viên truy vết sẽ chịu trách nhiệm về một khu vực được chỉ định.
[Indonesia huy động thêm 18.000 nhân viên truy vết COVID-19]
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho tất cả các cấp làm mọi cách để giảm thiểu số người tử vong do COVID-19.
Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan đã yêu cầu tất cả các bộ ngành và địa phương tăng cường các nỗ lực xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T) với mục tiêu soát xét ít nhất 8 người tiếp xúc gần mỗi bệnh nhân COVID-19.
Trước đó hôm 26/7, Tư lệnh Quân đội Indonesia (TNI) - Nguyên soái Hadi Tjahjanto cho biết lực lượng này đã triển khai 63.000 binh sỹ tham gia truy vết những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 trong một nỗ lực hỗ trợ Chính phủ nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Ngoài các binh sỹ, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB) cũng thông báo sẽ huy động thêm 7.000 nhân viên truy vết.
Cũng trong ngày 29/7, Phó Thống đốc Jakarta Ahmad Riza Patria cho biết tỷ lệ lấp đầy giường (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 ở khu vực thủ đô đã giảm từ mức 69% vào ngày 27/7 xuống còn 64% vào ngày 28/7.
Phát biểu với các phóng viên ngày 29/7, ông Riza cho hay tỷ lệ lấp đầy các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở thủ đô của Indonesia cũng giảm từ mức 90% xuống còn 86%.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Nadia, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Biến thể này hiện không thuộc danh sách “biến thể đáng quan ngại" (VoC, gồm Alpha, Beta, Gamma, và Delta), hay danh sách “biến thể đáng quan tâm (VoI, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda).
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 27/7, quốc gia này đã phát hiện 1.016 ca mắc 3 biến thể VoC, trong đó có 60 ca mắc biến thể Alpha, 13 ca mắc biến thể Beta và 943 ca mắc biến thể Delta./.