Indonesia: Hơn 900.000 người bị bệnh về đường hô hấp do cháy rừng

Tổng cộng 919.516 người tại Indonesia bị viêm đường hô hấp cấp tính (ISPA) do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng và cháy than bùn.
Lửa bùng lên từ các đám cháy rừng ở Kampar, Indonesia, ngày 16/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) Agus Wibowo, cho biết đã có tổng cộng 919.516 người tại nước này bị viêm đường hô hấp cấp tính (ISPA) do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng và cháy than bùn.

Số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia cập nhật đến hết ngày 23/9 cho thấy số bệnh nhân trên tập trung tại 6 tỉnh gồm Nam Sumatra (gần 292.000 người), Riau (gần 276.000 người), Tây Kalimantan (gần 181.000 người), Nam Kalimantan (hơn 67.000 người), Jambi (hơn 63.000 người) và Trung Kalimantan (hơn 40.000 người).

Theo ông Agus, cho đến nay, Chính phủ Indonesia đã phân phát 73.000 khẩu trang cho người dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng do cháy rừng và than bùn, đồng thời triển khai nhiều điểm hỗ trợ y tế, cấp phát thuốc, thực phẩm cho các trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

Liên hợp quốc cảnh báo các vụ cháy rừng ở Indonesia đang khiến cho gần 10 triệu trẻ em ở nước này đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.

[Cháy rừng tại Indonesia ảnh hưởng tới nhiều nước láng giềng]

Cảnh báo trên của Liên hợp quốc được đưa ra sau khi giới khoa học công bố các nghiên cứu cho thấy những đám cháy trên đã làm phát sinh một khối lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 10 triệu người dưới 18 tuổi đang sinh sống tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do các đám cháy rừng ở đảo Sumatra và tại một phần của đảo Borneo của Indonesia, trong đó trẻ em nhỏ tuổi là những người dễ bị ảnh hưởng nhất về mặt sức khỏe do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trong khi những trẻ em có mẹ bị phơi nhiễm không khí trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị thiếu cân và đẻ non.

Trong gần 2 tháng qua, các đám cháy rừng và cháy than bùn đã xảy ra tại nhiều khu vực trên đảo Sumatra và Borneo.

Để đối phó với những đám cháy này, Chính phủ Indonesia đã huy động khoảng 10.000 người gồm binh sỹ, cảnh sát, nhân viên của BNPB; hàng chục máy bay trực thăng và máy bay chở nước để chiến đấu với "giặc lửa."

Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.

Tuy nhiên, cháy rừng thường vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là vào mùa khô. Năm nay, tình trạng khói mù do cháy rừng tại Indonesia đã làm ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều quốc gia trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục