Indonesia hối thúc ASEAN, Trung Quốc hợp tác duy trì ổn định khu vực

Tổng thống Indonesia Jokowi cho rằng Trung Quốc có khả năng lớn tăng cường chiến lược an ninh lương thực; khẳng định ASEAN-Trung Quốc cần hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng và ổn định giá lương thực.
Toàn cảnh cảng hàng hóa ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 6/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã hối thúc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc - với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN - hợp tác để duy trì ổn định khu vực, đảm bảo rằng tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu không lan sang khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25 ở Phnom Penh, Campuchia, ông Jokowi nhấn mạnh: “Điều đầu tiên là cần giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Với dân số hơn 2 tỷ người, việc đảm bảo cung ứng và khả năng tiếp cận lương thực là nhiệm vụ lớn và là ưu tiên hàng đầu của ASEAN và Trung Quốc."

Theo Tổng thống Jokowi, khu vực này vẫn dễ bị gián đoạn nguồn cung lương thực. ASEAN - một trong những khách hàng tiêu thụ lúa mì và đậu tương lớn nhất thế giới - đã chi ít nhất 61 tỷ USD để nhập khẩu lương thực.

Tổng thống Jokowi cho rằng Trung Quốc có khả năng lớn tăng cường chiến lược an ninh lương thực và khẳng định ASEAN, Trung Quốc cần hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng và ổn định giá lương thực, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ hợp tác để đảm bảo dự trữ lương thực và cơ chế cung ứng lương thực khẩn cấp trong khu vực, tăng cường sản xuất lương thực trong khu vực và đầu tư đổi mới nông nghiệp.

[ASEAN-Trung Quốc hợp tác theo hướng thực chất, hiệu quả và cùng có lợi]

Người đứng đầu chính quyền Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tài chính khu vực trước các mối đe dọa suy thoái cũng như thách thức chung và cả hai bên cần ứng phó với tình hình khó khăn bằng cách thúc đẩy hợp tác.

Ông Jokowi lưu ý sự phối hợp chính sách là rất quan trọng. Bằng cách phối hợp chính sách, ASEAN và Trung Quốc có thể đảm bảo ngăn chặn suy thoái một cách hiệu quả.

Cũng theo Tổng thống Jokowi, là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc phải có trách nhiệm tạo ra môi trường thuận lợi bằng cách xây dựng lòng tin chiến lược và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục