Indonesia-Hàn Quốc khánh thành trung tâm hợp tác chính phủ điện tử

Trung tâm hợp tác chính phủ điện tử sẽ hoạt động trong thời gian ba năm nhằm nâng cao hiệu quả hành chính để đạt đẳng cấp quản trị thế giới với tiêu chí minh bạch hơn, hiệu quả và hiệu quả hơn.
Ông Yuddy Chrisnandi (trái) và ông Hong Yun Sik. (Nguồn: Yonhap)

Ngày 2/3, chính phủ hai nước Indonesia và Hàn Quốc đã khánh thành một trung tâm hợp tác chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hành chính để đạt đẳng cấp quản trị thế giới với tiêu chí minh bạch hơn, hiệu quả và hiệu quả hơn.

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Cải cách hành chính và quan liêu Indonesia, Yuddy Chrisnandi và Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Hong Yun Sik đã ký một số thỏa thuận hợp tác. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có chính phủ điện tử, trong khuôn khổ cải cách hành chính.

Trung tâm hợp tác chính phủ điện tử sẽ hoạt động trong thời gian ba năm (2016-2018). Theo Bộ trưởng Yuddy Chrisnandi, chính phủ điện tử là cách tốt nhất để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa, cũng như việc cải thiện các dịch vụ công đang là nhu cầu bức thiết. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tham khảo ý kiến với phía Indonesia về việc ban hành luật liên quan nhằm tăng khả năng cạnh tranh của cả hai nước.

Triển khai mô hình chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu của các quốc gia trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống dần tỏ ra lạc hậu so với nhịp độ phát triển xã hội, không tận dụng được ưu thế của công nghệ thông tin, mạng Internet. Chuyển đổi hoạt động hành chính công từ giấy tờ truyền thống sang môi trường trực tuyến sẽ giúp tăng cường năng lực điều hành nhà nước của chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân, tăng cường sự minh bạch, giảm thiểu chi phí và giảm tham nhũng. Hàn Quốc là quốc gia sớm triển khai chính phủ điện tử và đạt được nhiều thành tựu.

Từ năm 2010, chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã được Liên hợp quốc đánh giá ở vị trí số một thế giới trong tổng số 192 quốc gia thành viên, trong đó chỉ số “Phát triển chính phủ điện tử” và chỉ số “Tham gia điện tử” đạt điểm cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục